Cùng con Trí tuệ

MỤC TIÊU NUÔI DẠY CON CỦA BẠN LÀ GÌ?

Mục tiêu của bạn khi nuôi dạy con là gì?
Mình đã suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi này, và mình chọn lựa nuôi dạy con hướng đến những mục tiêu mà chính mình cũng đang theo đuổi và nỗ lực để đạt được từng ngày.

Hãy nhìn mục tiêu nuôi dạy con với một chặng đường dài khi con 30 tuổi chứ không phải chỉ đến 18 tuổi. Rất nhiều cha mẹ vẫn suy nghĩ theo hướng cho con ăn học, học thật giỏi rồi ra trường có một cái nghề trong tay, sau đó lập gia đình là cha mẹ hết trách nhiệm…Thế nhưng có rất nhiều bạn khi ra trường vẫn loay hoay tìm việc vì không biết cái gì là phù hợp với mình. Làm công việc đã theo học thì cảm thấy vô cùng chán nản, nhưng lại không dám từ bỏ để bắt đầu hành trình mới vì thấy tiếc bao nhiêu năm ăn học. Hơn nữa kĩ năng mềm quá yếu nên không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu để có thể xin được một công việc nuôi sống bản thân.

Câu chuyện này có quen thuộc không? Xin thưa là cực kì quen thuộc, và mình thấy nhiều vô kể xung quanh mình. Mà cái lõi lại nằm ở việc thiếu định hướng ngay từ đầu của cha mẹ. Vậy câu hỏi đặt ra là định hướng thế nào cho chuẩn để đồng hành cùng con yêu hiệu quả nhất? Mình xin chia sẻ 5 khía cạnh quan trọng nhất mà mình hướng tới trong hành trình đồng hành cùng bé yêu của mình.

1. SỨC KHOẺ
Có sức khoẻ là có tất cả, không sức khoẻ là không có gì. Câu nói này ai cũng biết, ai cũng nằm lòng nhưng làm thế nào để giúp con và chính chúng ta có một sức khoẻ tốt thì không phải ai cũng biết. Muốn có một sức khoẻ nó đến từ ba yếu tố: dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tập thể dục.

Về dinh dưỡng thì quan điểm ăn uống của người Việt xưa nay là ăn nhiều cơm, thịt và rau chỉ là phụ nhưng quan điểm này là một sai lầm. Bởi ăn quá nhiều cơm không khác gì chúng ta đưa đường vào trong máu cả. Vậy nên cha mẹ sẽ cần điều chỉnh lại về thành phần dinh dưỡng trong gia đình để giúp con có nền tảng tốt ngay từ bé, đó chính là 80% rau, củ, quả, tinh bột, các loại hạt và 20 % là đạm từ động vật.

Về nghỉ ngơi thì cần đảm bảo giấc ngủ đầy đủ cho trẻ, tạo thói quen đi ngủ sớm từ bé để trẻ thiết lập được một đồng hồ sinh học chuẩn ngay từ nhỏ. Thường cho trẻ đi ngủ trước 10h, tuỳ vào từng độ tuổi mà độ dài của giấc ngủ là khác nhau, các cha mẹ dựa vào độ tuổi của con để giúp con ngủ đủ giấc. Bởi trẻ lớn lên trong giấc ngủ, và giấc ngủ cũng vô cùng quan trọng để giúp não bộ của con phát triển khoẻ mạnh.

Về thể dục thể thao thì cha mẹ có thể dựa vào độ tuổi của con để có thể giúp con rèn luyện những bộ môn phù hợp với cơ thể của con.
Hiện tại mình đã thiết lập được cả ba yếu tố này trong quá trình đồng hành cùng bé con nhà mình, và mình thực sự rất hạnh phúc khi đã giúp con có được một nền tảng sức khoẻ tốt từ khi con còn bé.

2. KĨ NĂNG TỰ HỌC
Sau sức khoẻ thì với mình đây là điều quan trọng hơn cả. Mình muốn giúp con xây dựng được thói quen tự học ngay từ bé. Với mình việc học tập là việc học suốt đời, học liên tục, học mỗi ngày.
Con có thể học qua sách vở, qua cuộc sống, qua những con người con gặp gỡ và học qua trường lớp chỉ là một trong số đó. Điều quan trọng nhất đó là giúp con có những kiến thức nền tảng để con thấu hiểu bản thân, thấu hiểu thế giới.

Thường chúng ta hay dạy con những kiến thức để con thấu hiểu về thế giới bên ngoài như thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, thế giới vạn vật nhưng không nhiều cha mẹ dạy cho con cách lắng nghe, quan sát, thấu hiểu bản thân mình. Rất nhiều đứa trẻ mất định hướng, cảm thấy mông lung vì các con không biết mình yêu thích điều gì, thực sự cần gì. Bởi không ai dạy cho các con điều đó.
Lắng nghe, quan sát và nhận diện thế giới bên trong vô cùng quan trọng. Khi con thấu hiểu được chính mình cũng là khi con làm chủ được bản thân, xây dựng được sức mạnh nội tại để vững vàng đương đầu với những khó khăn thử thách.

Bản thân mình khi kết nối với con, những lần con căng thẳng, bị não tầng dưới chiếm ưu thế, mình sẽ kết nối với con bằng những cái ôm, những câu nói đùa tinh nghịch để kết nối về mặt cảm xúc với con trước. Sau đó mình đặt những câu hỏi để giúp con nhận diện những cảm xúc bên trong của mình, đó là cách để con kết nối với thế giới nội tâm của con một cách tối ưu. Cũng vì vậy mà bé con của mình đã biết nhận diện cảm xúc mỗi khi con không vừa ý điều gì như “con đang cảm thấy rất tức giận đó” “con đang cảm thấy không thích mẹ”…con biết nhận diện và đọc ra những cảm xúc, suy nghĩ của mình…đối với mình đó là một điều vô cùng quan trọng.

Về việc rèn luyện thói quen tự học cho con thì mình đã tạo thành giờ học của cả nhà mỗi tối, bố mẹ đọc sách của bố mẹ, em tô màu, làm bài của em, sau đó mẹ sẽ cùng em học tiếng Anh. Thói quen này đã được mình duy trì cùng con từ ngày con còn bé xíu xiu, đến nay bé con của mình đã hơn 4 tuổi rồi, với con đây là chuyện bình thương như ăn cơm hay uống nước mà thôi.

3. TRÍ TUỆ CẢM XÚC
Phần này rất quan trọng đến mức mình nghĩ nên cho nó riêng một đầu mục, vì thực sự rất nhiều các bé không được cha mẹ chú ý vấn đề này. Thông minh cảm xúc, nhận diện được cảm xúc của bản thân và người khác là điều vô cùng quan trọng. Chính trí thông minh cảm xúc mới là nền tảng vững vàng để quyết định thành công của một con người.

Khi con biết quan tâm đến cảm xúc của người khác, con sẽ biết nên làm gì trong tình huống này để không khiến đối phương bị tổn thương hay buồn khổ. Đây chính là sự thấu cảm mà chúng ta cần giúp con rèn luyện để tạo thành và phát triển ngay từ bé.

Mình hay đặt những câu hỏi cho con khi đọc truyện cho con, chẳng hạn như khi con đi học về con kể một bạn cùng lớp khóc vì bị bạn khác đánh. Mình sẽ đặt câu hỏi để lắng nghe câu trả lời của con, chẳng hạn như “con có biết vì sao bạn Mít lại đánh bạn Tít không? Nếu là con là bạn Mít khi bị bạn lấy đồ chơi con sẽ làm gì? Còn nếu con là bạn Tít khi bị bạn khác bắt nạt con sẽ làm thế nào? Vậy, khi con thấy hai bạn trong lớp đánh nhau con sẽ làm gì để giúp các bạn?
Lúc này con sẽ chia sẻ cho bạn những suy nghĩ của con, những cách con sẽ xử lý vấn đề và cảm xúc của con khi con ở vị trí của từng nhân vật mà bạn hỏi. Đây là cách rất tốt để bạn xây dựng cho con sự thấu cảm cũng như cách để con nhận diện, thấu hiểu cảm xúc của chính mình khi con tưởng tượng nếu con là bạn ấy…

Việc nhận diện cảm xúc của chính con cũng vô cùng quan trọng, con sẽ biết con đang cảm thấy thế nào, nếu làm vậy con sẽ vui hay buồn, vì sao con vui, vì sao con lại thấy rất buồn? Khi nhận diện, thấu hiểu được cảm xúc của mình con sẽ biết cách để điều chỉnh, làm chủ chúng chứ không để chúng làm chủ bản thân con.

4. TẠO RA GIÁ TRỊ CHO XÃ HỘI
Đây là điều mà mình nghĩ bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con của mình làm được, bởi vì chỉ khi con tạo ra giá trị con mới có thể được trả công xứng đáng. Thế nhưng việc tạo ra giá trị này mình muốn hướng con tới việc trao đi nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội chứ không đơn thuần ở việc cho con hay cho gia đình. Chúng ta chỉ thực sự thành công khi chúng ta giúp được nhiều người cùng thành công và phát triển, đó mới là cái lõi của giá trị.

Vậy nên ngay từ bé chúng ta hãy định hướng cho con có một tư tưởng lớn, đem lại những giá trị thực sự để cống hiến cho cộng đồng và toàn xã hội. Nếu con là một bác sĩ hãy nỗ lực để trở thành một bác sĩ tài hoa, giúp được nhiều bệnh nhân. Nếu con là một giáo viên hãy nỗ lực để trở thành một giáo viên truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ học sinh….Nếu con làm bất cứ ngành nghề nào trong xã hội hãy nỗ lực hết mình để trở nên xuất sắc nhất trong ngành nghề đó, có thể con mới có thể giúp được thật nhiều người ở lĩnh vực mà con đã lựa chọn!

5. KIẾN THỨC TÀI CHÍNH
Đây cũng là một trong những mục tiêu rất quan trọng trong việc nuôi dạy con. Nếu con kiếm được tiền nhưng không biết chi tiêu thế nào cho hợp lý, không biết cách quản lý dòng tiền thì mãi mãi con không thể tự do về tài chính để có thể an tâm làm những việc mình yêu thích được. Tuy nhiên để làm được điều này thì cha mẹ cần giúp con hiểu được bức tranh tổng thể về tài chính, đâu là tài sản, đâu là tiêu sản, làm thế nào để chi tiêu và tiết kiệm hợp lý. Và để có được những kiến thức này cha mẹ cần bỏ thời gian để học tập, và tích luỹ kiến thức tài chính cho mình mới có thể nuôi dạy con tốt được.

Không những học hỏi từ sách, cha mẹ cần chia sẻ với con về việc thu chi hàng ngày trong gia đình. Mình thường sử dụng app Money Keeper để ghi lại thu chi trong gia đình. Nhìn vào bảng thu chi mỗi tháng, mình có cái nhìn tổng quan về dòng tiền trong gia đình. Mình cũng chia sẻ với con về kế hoạch tài chính của gia đình dưạ trên nguyên tắc 6 chiếc lọ. Đọc cho con nghe về bộ sách cha giàu, cha nghèo và liên hệ những kiến thức đó với bên ngoài cuộc sống mà mình đang áp dụng. Dần dần sẽ giúp con có được những kiến thức cơ bản về tài chính, bản thân mình cũng hệ thống lại những gì đã được thông qua việc chia sẻ với con.

Nghề làm cha mẹ là một nghề nhiều thử thách nhưng cũng đầy thú vị, trên hành trình đó chúng ta không những nuôi dạy con mà cũng giúp bản thân trưởng thành và phát triển lên từng ngày. Để hành trình ấy luôn tràn đầy sự yêu thương và hạnh phúc thì mỗi chúng ta cần phải xác định mục tiêu cốt lõi mà mình hướng tới là gì. Khi hiểu rõ được mục tiêu, hành trình ấy, ta sẽ an tâm đồng hành cùng bé yêu khôn lớn, bạn nhỉ!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *