Câu chuyện về lựa chọn trường công hay trường tư cho con theo học luôn là đề tài được rất nhiều các cha mẹ quan tâm. Bản thân mình cũng thế, mình cũng cân nhắc rất nhiều khi đưa ra quyết định lựa chọn ngôi trường nào phù hợp nhất với con và với hoàn cảnh kinh tế của gia đình mình.
Vì sao mình lại nhấn mạnh vào hai chữ “kinh tế”, vì thực chất nếu có kinh tế thì các ông bố bà mẹ hầu hết sẽ lựa chọn cho con theo học trường tư. Lý do vì các cha mẹ thấy cơ sở vật chất tốt hơn, giáo viên nhiệt tình, tận tâm hơn, sĩ số lớp tốt hơn. Chưa kể chúng ta cũng được nhà trường chia sẻ rằng các con sẽ được học nhiều chương trình tân tiến, các con được tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mình…
Tuy nhiên việc học ở trường tư cũng có những nhược điểm riêng. Các bạn học ở trường tư thì kiến thức sẽ không được “luyện” liên tục như ở trường công. Do đó việc thi cử vào những trường trọng điểm ở trong nước cũng sẽ là một thách thức. Gia đình nào có điều kiện kinh tế tốt thì họ không quan trọng, vì hầu hết sau này sẽ cho con đi du học. Còn với những gia đình kinh tế bình thường, đã phải nỗ lực, cố gắng lắm mới cho con học được trường tư, nếu sau này con không thi đậu các trường trọng điểm thì họ sẽ có đôi phần thất vọng, thậm chí thấy tiếc tiền vì đã đầu tư cho con theo học ở một trường đắt tiền mà lại không thu được kết quả như họ mong muốn. Chưa kể việc cố gắng hết sức để kiếm tiền cho con theo học trường đắt tiền khiến cha mẹ luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cha mẹ kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể xác.
Vậy thì mấu chốt nằm ở đâu, trường nào mới là lựa chọn hoàn hảo. Theo mình không có trường nào hoàn hảo nhất ở đây cả, chúng ta cần dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình, khoảng cách địa lý… mà lựa chọn những ngôi trường phù hợp với trẻ. Vì ở bất cứ ngôi trường nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng, không có ngôi trường nào là trọn vẹn cả. Mấu chốt cho sự thành công sau này của con chúng ta phụ thuộc 30% vào cha mẹ, 40% vào tự thân mỗi đứa trẻ và chỉ có 30% phụ thuộc vào nhà trường. Lý do là vì
1. Thời đại thông tin mở (trường internet)
Nhiều cha mẹ cứ mải miết đi chọn trường, chọn lớp cho con mà quên mất bây giờ là thời đại của thông tin mở. Con của chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu, từ thành thị cho đến nông thôn hoàn toàn có thể tiếp cận với những giáo trình tiên tiến nhất trên thế giới. Chỉ bằng một cú kích chuột, con của chúng ta có thể học được với bất cứ thầy cô giỏi nào của Việt Nam, của thế giới với chi phí cực kì thấp, thậm chí là miễn phí. Vừa rồi mình có chia sẻ với các cha mẹ 6 website cực kì chất lượng để cha mẹ có thể đồng hành với con. Nếu cha mẹ dành thời gian để lấy những nguồn tài liệu này, in ra đồng hành với con mỗi tối thì tư duy, góc nhìn và kiến thức của con sẽ tiến bộ trông thấy. Chỉ cần con bạn có ý chí, tinh thần kỷ luật và kỹ năng tự học tốt thì không gì là không thể học được.
Gần đây chúng ta thấy rất nhiều bạn nhỏ dù tuổi còn rất bé nhưng đã vô cùng xuất sắc. Lý do vì bạn ấy được bố mẹ đồng hành và học những khoá học giá trị trên internet với chi phí cực kì thấp. Điển hình là cậu bé Nam Long tại thành phố Hồ Chí Minh, dù mới học lớp 4 nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm lập trình, TOEIC 900 và được 6 công ty game top đầu Việt Nam mời về thực tập. Nếu là thời đại trước kia thì Nam Long rất khó để làm được điều này, nhưng với thời đại thông tin mở cùng với sự đồng hành sát sao của cha mẹ, cậu bé đã làm được những điều mà ai cũng phải suýt xoa.
2. Sự đồng hành của cha mẹ.
Mình thấy rất nhiều gia đình gia thế, cực kì giàu có, cho con học toàn trường đắt tiền, học thêm học nếm khắp nơi nhưng con vẫn không ra sao. Kể cả kỹ năng tự học, tinh thần kỷ luật cho đến cách đối nhân xử thế. Lý do vì bố mẹ không dành thời gian quan tâm đến con, chỉ mải miết đi kiếm thật nhiều tiền để gửi con vào những trường đắt đỏ. Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày một xa cách, bố mẹ đi làm về thì con đã ngủ, sáng mai khi thức dậy thì con đã đi học. Thời gian đâu để trò chuyện, kết nối, định hướng và chia sẻ với con. Con cái vì thiếu được quan tâm nên tình tính sẽ thay đổi, không có người chia sẻ nên trẻ thường sẽ thấy cô đơn, buồn chán, nhất là những đứa trẻ tuổi dậy thì. Khi bị chông chênh con rất dễ sa đà vào cám dỗ, đó là lý do vì sao rất nhiều gia đình giàu có nhưng con cái lại hư hỏng. Bố mẹ kiếm được nhiều tiền thì sau vài tháng là đứa con phá sạch, nó không phải là ngẫu nhiên, nó là một hệ quả.
Vậy nên học ở đâu thì học, công hay tư thì cha mẹ vẫn phải dành thời gian để đồng hành cùng con mỗi ngày. Ngày xưa dù gia đình mình rất nghèo, bố vất vả chạy xe, mẹ làm việc đồng áng. Nhưng tối đến gia đình mình lại quây quần bên nhau, cứ 7h tối là nhà mình đã cơm nước xong xuôi, chị em mình bắt đầu ngồi vào bàn học. Bố mẹ mình bận lại không được học nhiều nên chủ yếu là động viên, khích lệ mình học tập. Luôn nhắc nhở mình học là vì cuộc sống, tương lai sau này của bản thân. Vậy nên chị em mình đứa nào cũng cố gắng quyết tâm học thật tốt để không phụ sự hi sinh, cố gắng của bố mẹ. Ngày ấy mình học từ 7h – 9h tối là xong, sau đó lên giường đi ngủ. Tối thứ 7 được nghỉ vì chủ nhật không phải đi học, nhưng việc đi ngủ đúng giờ là điều bắt buộc. Chị em mình đi chơi ở đâu thì đi nhưng 9h tối là phải có mặt ở nhà, nếu để bố mẹ phải đi gọi thì hôm sau sẽ không được đi chơi nữa. Mình rất cảm ơn bố mẹ vì đã xây dựng cho mình cùng các em những thói quen tốt từ ngày con bé, đó là lý do vì sao mình không hề đi học thêm ngày nhỏ mà vẫn học giỏi.
3. Sự nỗ lực của trẻ
Vì sao cùng học cùng một trường, cùng một thầy cô, cùng có sự quan tâm của cha mẹ nhưng có trẻ thì đạt kết qủa cao, nhưng có những trẻ thì đạt kết qủa rất thấp. Lý do phụ nằm ở sự nỗ lực và cố gắng của đứa trẻ ấy. Mà muốn khơi gợi được sự nỗ lực và cố gắng ấy, cha mẹ phải theo sát, thấu hiểu và đồng hành cùng với trẻ. Có bạn sẽ nói nhưng cha mẹ quan tâm rồi nhưng trẻ vẫn không chịu nghe, không chịu hiểu thì làm thế nào? Theo mình thì cha mẹ quan tâm chưa đúng cách. Nhiều cha mẹ nghĩ nhắc con học, ngồi kè kè bên con, quát con, thúc ép con làm bài mỗi tối…đó là sự quan tâm. Nhưng sự quan tâm này lại khiến mối quan hệ của cha mẹ và con cái rơi vào bế tắc. Trẻ cảm thấy cha mẹ không quan tâm đến trẻ, thứ cha mẹ quan tâm chính là thành tích, là điểm số.
Do đó chính cha mẹ cần phải thay đổi cách nói, cách giao tiếp, truyện trò với trẻ. Giúp trẻ hiểu được cha mẹ thực sự đang muốn giúp đỡ và đồng hành với trẻ mà thôi. Có thể cách làm của cha mẹ chưa đúng nhưng tình yêu thương dành cho trẻ là không bao giờ thay đổi. Mình quan sát thấy nhiều gia đình cha mẹ chưa làm được điều này, mẹ dạy con học mà quát con như hát hay, đứa trẻ vừa làm bài vừa khóc. Mẹ dạy con xong thì mặt đùng đùng sát khí, doạ nạt con, nếu không học thì phạt cấm túc một ngày, không được ra ngoài chơi. Chúng ta luôn nghĩ làm vậy là tốt cho trẻ, là rèn cho con sự kỉ luật, sự chăm chỉ học tập nhưng thực chất cách đó sẽ khiến trẻ chán trường, ác cảm với việc học.
Chúng ta có thể giúp con yêu thích việc học bằng rất nhiều cách khác nhau như chơi trò chơi, giải ô chữ, tổ chức cuộc thì xem ai tính nhanh hơn. Thậm chí tìm hiểu về lịch sử của môn mà con đang học, ai là người nghĩ ra cách tính này, nó ra đời như thế nào, trong hoàn cảnh nào. Hai mẹ con cùng tìm đọc, con không những được truyền cảm hứng từ câu chuyện ấy mà hai mẹ con còn được đọc thêm tài liệu bổ ích bằng tiếng Anh, giúp con hiểu lý do vì sao học ngoại ngữ lại quan trọng. Chưa kể con còn học được cách tìm hiểu những kiến thức mà mình chưa biết qua internet nhờ chỉ dẫn của mẹ. Như vậy cứ mỗi thử thách phát sinh lại là một cơ hội để giúp hai mẹ con khám phá nhiều thứ hơn. Điểm kém không quan trọng, quan trọng là khơi dậy được sự yêu thích của con với việc học, điểm số của con sẽ được cải thiện rõ nét nhờ sự yêu thích ấy theo thời gian.
4. Tư duy của cha mẹ trong việc giáo dục con
Mình tin đây là yếu tố cốt lõi trong việc đồng hành cùng con. Nhiều cha mẹ nói rằng đứa trẻ học trường công giỏi mấy thì giỏi sau này vẫn thua những đứa trẻ học ở trường tư. Lý do vì những đứa trẻ học trường tư có kỹ năng xã hội tốt hơn, ăn nói khôn khéo hơn lại có gia thế nên thành ra thành công hơn hẳn. Mình nghĩ điều này cha mẹ đang nhìn ở hiện tượng chứ không phải về mặt bản chất.
Thứ nhất việc trẻ học trường công hay tư không liên quan đến kỹ năng xã hội của trẻ, nó nằm ở sự đồng hành của cha mẹ hàng ngày. Nếu con học trường công nhưng biết cách kết nối với thầy cô, bạn bè, luôn tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường thì kỹ năng xã hội của con không kém bất cứ bạn nào học ở trường tư cả.
Thứ hai trẻ dù học ở trường công hay tư, nếu muốn tương lai phát triển thì trẻ phải cố gắng nỗ lực và trau dồi liên tục. Có nhiều bạn học phổ thông cực kì xuất sắc, thậm chí được tuyển thẳng vào những trường top đầu nhưng khi đi học đại học lại ham chơi, đua đòi, chơi bù những ngày tháng cấp ba vất vả thì thành công ở đâu ra. Có những bạn vất tiếp tục cặm cụi học thật giỏi, không tham gia bất cứ hoạt động nào, cũng hạn chế giao lưu kết bạn, kết quả sau 4 năm học, bằng xuất sắc ra trường nhưng kỹ năng mềm vẫn yếu kém nên đi xin việc khắp nơi đều bị từ chối. Rồi lại tiếp tục xin cha mẹ học lên thạc sĩ, tiến sĩ rồi mới xin việc, và bạn ấy dành trọn thanh xuân đi học chứ không phải đi làm.
Một số bạn học trường bình thường nhưng vì hiểu bản thân cần phải nỗ lực trau dồi nếu không sẽ không có việc khi ra trường. Bạn ấy vừa học, vừa tích cực đi làm thêm để trau dồi bản thân, mở rộng mối quan hệ. Cuối cùng ra trường với bằng giỏi và có bốn năm đi cọ xát, làm việc tại các doanh nghiệp. Lúc này bạn ấy không cần phải mất nhiều thời gian đi xin việc mà đã có nơi mời bạn ấy về làm. Cho nên sự thành công trong tương lai phụ thuộc rất rất nhiều vào sự nỗ lực và cố gắng của từng cá nhân.
Cuối cùng, bây giờ là thời đại của năng lực chứ không phải bằng cấp. Mình nói vậy không phải là hạ thấp giá trị của tấm bằng, mình vẫn tin tấm bằng đaị học là căn cứ đầu tiên để đánh giá một người – một người đã được đào tạo. Tuy nhiên nó lại không phải yếu tố cốt lõi vì nó cần nhiều thứ hơn là một tấm bằng. Thứ chúng ta cần đánh giá chính là năng lực của người đó, mà năng lực lại dựa trên ba yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Do đó bản thân của mỗi người cần phải tích cực trau dồi, hoàn thiện bản thân mình. Dù tốt nghiệp bất cứ ngôi trường nào, danh giá cỡ nào đi chăng nữa nhưng lại không có kiến thức thực tế, không có tư duy đa chiều, không có các kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc thì không ai nhận bạn vào làm cả.
Vậy nên thứ chúng ta cần giúp con chính là xây dựng cho con sự yêu thích, say mê học tập, khám phá thế giới, thấu hiểu bản thân thông qua quá trình tìm tòi, khám phá và học hỏi. . . Để mỗi ngày trôi qua con hiểu hơn con là ai, con thích làm gì, con muốn trở thành người như thế nào, con muốn mang lại giá trị gì để phục vụ cho xã hội…Đó mới là điều chúng ta cần hướng tới chứ không phải chuyện mải miết đi lựa chọn trường công hay là trường tư. Vì dù học trường gì đi chăng nữa nếu không có sự nỗ lực của con, sự đồng hành của cha mẹ thì con sẽ không tài nào thành công trong tương lai được.