Sáng nay mình đã nhận được tin nhắn của một chị, chị chia sẻ rằng “Cô Nghĩa ơi, bạn nhà c 7 tuổi, mà cứ ko muốn đi học thôi, sáng đi học con khóc và buồn lắm. C ko biết phải làm sao. C áp lực và stress quá”. Mình đã dành gần 1 tiếng để kết nối và chia sẻ với chị. Chị đã nghẹn ngào và thổn thức khi nghe những chia sẻ của mình dành cho chị. Chị bảo chị nhận ra chị có lỗi với con quá em ạ, con nhút nhát, con thu mình lại lỗi lớn nằm ở chị. Mình an ủi chị và nói rằng chị hãy chấp nhận điều đó, chấp nhận rằng trước kia mình đã chưa có nhiều kiến thức để đồng hành con hiệu quả nhưng chị đã làm hết khả năng tại thời điểm ấy. Còn bây giờ chị phải nỗ lực để giúp con và giúp chính bản thân mình, vì nghề cha mẹ là nghề chúng ta không được phép thôi việc.
Tình huống của gia đình chị là một tình huống rất riêng nhưng mình tin nó chứa đựng những bài học sâu sắc để chúng ta có thể học hỏi và rút kinh nghiệm cho hành trình nuôi dạy con của mình. Bản thân mình, mình xin chia sẻ đến bạn những bài học giá trị mà mình rút ra được thông qua tình huống này, vì mình muốn các cha mẹ tập làm quen với cách học này. Tình huống cụ thể nhưng ta cần rút ra nguyên lý để có thể ứng dụng vào nhiều tình huống khác nhau trong đời sống.
1. Đọc vị và hiểu sâu về những trải nghiệm của con.
- Tại sao tự nhiên bé con lại không muốn đi học?
- Điều gì đã ảnh hưởng đến tâm lý của con?
- Làm thế nào để giúp con vượt qua được vấn đề này?
Mình có hỏi chị ba câu hỏi trên nhưng rất tiếc thời điểm ấy chị chỉ chuyển trường cho con mà không hỏi xem bé con của mình đã có trải nghiệm như thế nào về ngôi trường cũ. Chính trải nghiệm, câu chuyện phía sau ấy mới là căn nguyên vấn đề hôm nay của con. Việc chuyển trường nó chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Mình chia sẻ với chị là bây giờ chị cần dành thời gian để tìm hiểu câu chuyện phía sau của con, nếu không đi học mãi là nỗi ám ảnh với con của chị.
Mình đã từng chia sẻ với bạn câu chuyện về Cốm tự nhiên không muốn đi học múa nữa, trong khi trước kia con rất thích đi học. Mình dành thời gian để chia sẻ với con và tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa khiến con không muốn đi học múa nữa. Hoá ra là vì đợt ấy học động tác cầu vồng uốn dẻo làm con đau nên con sợ. Khi mình hiểu được vấn đề mình bắt đầu giải thích với con về cơ thể của cơ thể, chia sẻ với con trải nghiệm của bản thân mình khi tập thể thao. Thời gian đầu mẹ cũng đau nhưng đó là vì việc tập luyện tác động đến cơ bụng của mẹ. Con cũng thấy mẹ đau, còn giúp mẹ ngồi dậy nữa mà…nhưng mẹ không hề bỏ cuộc vì mẹ biết những lợi ích mà nó đem lại cho mẹ. Cốm nhà mình nghe xong liền bảo giờ con uốn dẻo giỏi lắm rồi mẹ ạ, chắc mai là hết đau mẹ nhỉ. Rồi mình ôm con vào lòng và động viên, khích lệ con. Hôm sau Cốm nhà mình lại háo hức đi múa như những ngày đầu tiên.
Vậy nên điều mình muốn nhắn nhủ với cha mẹ đó là hãy dành thời gian để quan sát, để tìm hiểu câu chuyện phía sau của con mỗi khi bé con của chúng ta ra một quyết định nào đó khiến ta bất ngờ như không muốn đi học, không muốn đi sang bà, không muốn học vẽ, không muốn học đàn…đừng vội quát nạt hay thuyết phục con, hãy lắng nghe và trò chuyện với con. Hãy xem bé con của chúng ta đang gặp phải rào cản nào, câu chuyện thực sự phía sau là gì, khi ấy ta mới có thể giải quyết dứt điểm vấn đề mà con đang gặp phải.
2. Dạy cho con cách được nói ra
Đây là điều mình học được sau buổi trò chuyện hôm nay vì nhiều cha mẹ thấy con ít nói nên mặc định là bé nhút nhát, ít mở lòng và ngay cả với bố mẹ cũng vậy. Theo mình con chỉ nhút nhát khi gặp người lạ thôi, còn ngay cả đứa trẻ hướng nội, nhát thế nào đi chăng nữa thì với cha mẹ hoặc những người bạn thân của trẻ, trẻ đều sẽ nói khá nhiều. Khi mình hỏi chị bé con có hay chia sẻ với mẹ không thì chị nói là rất ít, con chỉ nói là con không muốn đi học, con không muốn xa mẹ. Ngoài ra không nói gì nữa. Chị còn nói rằng vì nhà chỉ có bố mẹ và bạn ấy nên thành ra không có môi trường để con luyện tập. Nhưng mình nói với chị rằng không, anh chị chính là môi trường của con. Bố mẹ là MÔI TRƯỜNG QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU để dạy cho con CÁCH ĐƯỢC NÓI RA.
Ngày xưa chồng mình không phải là người biết nói những lời ngọt ngào dành cho vợ con đâu. Thậm chí ngày mình mới bắt đầu hẹn hò với anh ấy, mình đã rất giận khi nhắn tin thì mùi mẫn nhưng lúc gọi điện chồng mình bảo “alo, cái gì cơ, hả…hả…”. Mình đã cúp máy luôn vì sốc…Nhưng cũng không phải vì vậy mà mình không còn thích chàng trai ấy nữa, và đương nhiên mình cũng chẳng mặc nhiên chấp nhận “tính anh nó thế, khó mà thay đổi được”. Với mình khi ta muốn sẽ luôn có cách, còn ta không muốn thì mới dùng tới lý do “anh sinh ra đã vậy rồi”. Mình bắt đầu chia sẻ với anh về mong muốn của mình, mình muốn anh nói được như những gì anh hay nhắn cho mình, bắt đầu từ việc gọi điện với nhau. Anh đừng alo, cái gì nữa mà sẽ chuyển sang ơi…anh đây, hoặc anh nghe…điều đó sẽ khiến mình cảm giác đang được lắng nghe.
Dần dần yêu nhau, anh cũng ảnh hưởng nhiều từ cách nói chuyện của mình, bắt đầu biết thể hiện cảm xúc qua lời nói. Chồng mình thậm chí còn nói nhiều lời yêu thương với vợ hơn là vợ nói với anh ấy. Đó là lợi thế rất lớn cho con gái mình sau này, vì khi con gái ra đời chồng mình đã không ngần ngại thể hiện tình cảm với con trên mọi mặt trận bao gồm cả lời nói.
- Bố yêu con gái của bố lắm thôi
- Xinh xắn của bố ơi, bố bế em cái nào
- Ó èn lại đây bố bế đi chơi nào (ó èn là tên của bố hay gọi Cốm)
Bạn nhà mình vì thấy bố mẹ thường xuyên thể hiện tình cảm bằng lời nói nên con cũng thường làm theo. Con thường khen bố mẹ và mọi người xung quanh mà không bao giờ ngại ngần, lý do vì con làm nó thường xuyên. - Bố mới cắt tóc à, bố ra đây con xem nào, bố của con ngầu thế
- Con nhớ bố lắm, lúc nào con cũng yêu bố
- Bố của con đẹp trai nhất nhà luôn.
Đây là cách mình tạo ra môi trường cho con, để con được nói ra những điều con nghĩ, con cảm nhận. Con được thoải mái đặt những câu hỏi với bố mẹ mà không sợ bị bố mẹ phán xét hay bắt lỗi. Mình tin đây cũng là kỹ năng rất tốt để con có thể dễ dàng kết nối và hoà nhập với mọi người dù ở bất cứ môi trường nào.
3. Dành thời gian tâm sự, trò chuyện với con
Nhà mình kể con, chồng hay mình đều bận với những dự án riêng của mỗi người. Nhưng khoảng thời gian chất lượng buổi tối 30 phút trước khi đi ngủ là khoảng thời gian thú vị nhất mà gia đình mình thiết lập được. Đây là lúc mình sẽ trò chuyện, tâm sự với con. Mình thưởng hỏi con về những việc hôm nay con làm được là gì? Bạn ấy sẽ kể ra những gì bạn ấy làm được, học được ở trên lớp. Mẹ cũng kể cho bạn ấy nghe những gì mẹ đã làm được trong ngày.
Tiếp đó mình bắt đầu hỏi con cùng kể ra ba điều khiến con vui nhất trong ngày. Mình kể ra ba điều khiến mình hạnh phúc nhất sau đó chia sẻ điều khiến mình vui hơn cả, nói xong thì đến lượt bạn ấy nói. Trong đó có niềm vui của con khiến mình cười nghiêng ngả
- Con vui nhất vì hôm nay con được nằm ngủ cạnh Vịt với Bảo Ngân mà không bị cô mắng.
Mẹ bảo tại sao con? Bạn ấy bảo vì bọn con là bạn thân nên cứ nằm cạnh nhau là hay nói chuyện, cô toàn không cho nằm với nhau. Hôm nay bọn con nằm cạnh nhau mà không bị cô mắng làm con vui ơi là vui, nhìn sang hai bên toàn là bạn mà con thích nhất. Qua tình huống này bạn sẽ thấy rằng cái đầu tí hon ấy sẽ vui về những câu chuyện nhỏ xíu diễn ra thường ngày. Nhưng thực sự những câu chuyện ấy sẽ khiến tuổi thơ của con trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Bạn cũng biết thêm về những người bạn thân của con, biết được con đang có những người bạn như thế nào.
Mình luôn chia sẻ những điều RẤT ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM mà mình đã áp dụng lâu nay với bạn Cốm nhà mình. Mình hi vọng chúng hữu ích với những người đang làm cha làm mẹ như mình. Nghề làm cha mẹ là một nghề rất thử thách, rất vất vả nhưng cũng đầy ắp những niềm vui. Hãy biến những giây phút chúng ta bên bé con của mình trở thành những giây phút ý nghĩa nhất. Và muốn làm được điều đó cha mẹ hãy học cách nói ra những suy nghĩ, tình cảm của mình và dạy cho con cách làm được điều ấy hằng ngày cha mẹ nhé!