Cùng con Trí tuệ

12 CHIẾN LƯỢC ĐỂ KHƠI DẬY NIỀM YÊU THÍCH HỌC TẬP CỦA CON

Chúng ta ai cũng biết nếu bé con của mình yêu thích và chủ động trong việc học tập thì chắc chắn con sẽ có một tương lai tươi sáng. Nhưng làm thế nào để con có thể yêu thích và khao khát việc học tập thì không phải cha mẹ nào cũng nắm được. Dưới đây là 12 chiến lược để giúp các cha mẹ khơi dậy niềm yêu thích học tập của trẻ.

1. Tạo ra văn hoá đọc sách cho con từ bé
Đây là điều mình rất muốn lan toả đến các cha mẹ, hãy tạo ra văn hoá đọc sách cho con ngay từ bé. Đặc biệt là nên có văn hoá đọc sách trong gia đình vào buổi tối, tối thiểu là 20-30 phút. Đọc sách không chỉ giúp con giàu vốn từ, phát triển tư duy mà còn giúp con phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo nữa. Đứa trẻ nào mà ngay từ bé cha mẹ đã dành thời gian để giúp con rèn luyện phát triển thói quen đọc sách, thì lớn lên chúng sẽ có cực kì nhiều lợi thế. Cách diễn đạt trôi chảy, rõ ràng, kiến thức, tư duy mạch lạc, rõ ràng.

Buổi tối hãy tranh thủ ăn sớm, rồi cả nhà cùng quây quần bên nhau để cùng đọc sách. Cho bé con của bạn đứng lên đọc một câu chuyện trong cuốn sách mà con yêu thích, sau đó mỗi người hãy phát biểu bài học mà bản thân học được từ cuốn sách này. Và cách thức chúng ta sẽ áp dụng nó vào cuộc sống, nó khiến bạn nhớ về dữ kiện nào trong cuộc đời mà bạn đã trải qua. Đây là cách rất thông minh để bạn chia sẻ những bài học giá trị đến con một cách có chủ đích. Dần dần bé con sẽ rất thích những buổi sinh hoạt như thế này vì được mở rộng tư duy khi lắng nghe những trải nghiệm ngày xưa của bố mẹ. Và từ đây, bé con cũng bắt đầu hiểu được TẦM QUAN TRỌNG của việc ĐỌC SÁCH.

2. Cho con được quyền kiểm soát việc học của mình
Mình viết nhiều cha mẹ vì lo thành tích của con, vì mải lo cho con nên cứ liên tục kiểm soát việc học của con. Trao quyền cho con rất khác với việc bỏ mặc con cả nhà nhé. Trao quyền không phải là để con thích học gì thì học, làm gì thì làm, sai đến đâu thì chịu đến đó mà trao quyền tức là để cho con được kiểm soát việc học của mình, mẹ chỉ là người đồng hành với con. Nói cách khác, con là người lái tàu, mẹ chỉ là hành khách. Mẹ sẽ có những góp ý để giúp con có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con. Mẹ là người ĐỒNG HÀNH, mẹ không phải là người QUYẾT ĐỊNH.

Quyết định luôn nằm ở con. Chúng ta dạy cho con cách có thể hoàn thành những nhiệm vụ của mình. Việc hoàn thành nhiệm vụ học tập tốt cũng giống như việc sau này con có thể hoàn thành những công việc được giao khi đi làm. Tính chất công việc khác nhau nhưng bản chất thì lại hoàn toàn giống. Hướng dẫn con những cách để có thể tăng thêm sự yêu thích hoàn thành của con như Habit tracker, làm hộp ghi nhận thành tích với các thành viên trong gia đình. Mỗi lần con hoàn thành xong một nhiệm vụ nào đó trong danh sách những việc cần hoàn thành, con sẽ làm cho chiếc hộp của mình có thêm một lá phiếu ghi nhận. Cứ như vậy, sau một tháng chúng ta sẽ cùng nhau tổng kết và khen thưởng thành viên nào hoàn thành được nhiều việc của mình nhất.

3. Giao tiếp cởi mở và chân thành với con
Đôi khi con bạn chia sẻ một quan điểm hoặc góc nhìn nào đó về việc học mà bạn nghĩ chúng chẳng phù hợp, nhưng đừng vội phán xét hay lên lớp con. Hãy cứ lắng nghe một cách đầy chân thành. Khi ấy con sẽ thấy bản thân được tôn trọng, và lần tới con sẽ dám nói ra những điều con nghĩ thay vì dấu nhẹm chúng đi vì sợ sai, sợ dốt.

Chính cách bạn phản ứng sẽ dạy cho trẻ biết lần sau mình có nên nói ra hay không? Hãy nghĩ đến chúng ta, mỗi lần đứng lên phát biểu về dự án của công ty, sếp lập tức cười cợt bảo em đang hiểu sai rồi, dự án dễ thế mà sao em có thể hiểu nhầm được nhỉ? Khi ấy bạn sẽ thế nào? Lần sau bạn có dám đứng lên phát biểu và nói ra suy nghĩ của mình không? Đặt bạn vào tình huống đó bạn sẽ hiểu cần phải làm gì để khuyến khích con được nói ra thay vì sợ nói ra. Nhiều đứa trẻ lên lớp sợ phát biểu hoặc nói lí nhí khi cô gọi đứng lên không phải vì con không biết mà vì con có một tâm lý sợ hãi ở sẵn bên trong của chính mình rồi. Tâm lý này phần lớn xuất phát từ chính môi trường gia đình.

4. Tập trung vào niềm yêu thích của con
Nếu bạn biết được sở thích của con, hãy bắt đầu khơi dậy tinh thần yêu thích cho con từ đó. Có những đứa trẻ vì yêu thích nhạc Hàn mà đã đi học tiếng Hàn, học nhảy theo những bài hát đó. Và kết quả là con đã có thêm một ngoại ngữ mới chính nhờ sở thích của mình.

Có đứa trẻ yêu thích làm bánh kem nên cả ngày lên mạng tìm công thức làm bánh, hết tìm bằng Tiếng Việt rồi lại tìm bằng Tiếng Anh. Những lúc ấy bạn đừng lo con mình mất thời gian làm những việc vô bổ, chính những giây phút này sẽ giúp con khám ra tiềm lực vô hạn bên trong chính mình và yêu thích việc học tập. Nếu sự say mê này của con mà tạo ra một sự nghiệp lẫy lừng của con trong tương lai thì bạn thấy sao? Chắc chắn bạn sẽ rất hạnh phúc và tự hào phải không? Vậy nên thay vì cản trở hãy đồng hành và khuyến khích con tập trung vào niềm yêu thích của bản thân. Đây chính là nền tảng quan trọng để khơi dậy sự yêu thích học tập bên trong con của chúng ta đó.

5. Giới thiệu và khuyến khích con tìm ra phong cách học tập phù hợp
Mình đã từng chia sẻ một bài rất dài về vấn đề này. Giới thiệu cho con những phong cách học tập mà bạn biết và khuyến khích con tìm ra phong cách học tập phù hợp. Những phong cách học tập này sẽ giúp con hiểu rất sâu về bản thân của mình.

  • Phong cách học tập bằng thị giác: học qua hình ảnh, qua việc đọc, việc này sẽ giúp con nâng cao hiệu suất học tập khi biến những gì con cần nhớ thành hình ảnh. Cha mẹ có thể giới thiệu về cách học qua minmap, qua sketchnote, qua canva…
  • Phong cách học tập bằng thính giác: học qua nghe, con có một đôi tai rất nhạy cảm, nên con sẽ có xu hướng nhớ được những gì cần nhớ khi nghe ai đó nói hoặc giảng giải. Cha mẹ có thể giới thiệu về cách học qua podcast, qua audio book…
  • Phong cách học tập bằng nói: tức là được nói hoặc được chia sẻ về những gì mình đang học, cha mẹ chia sẻ với con về cách con có thể tự đứng lên giảng bài, hoặc trao đổi với các bạn qua việc học teamwork
  • Phong cách học tập bằng vật lý: con sẽ học tập khi có một không gian học phù hợp với bản thân mình, những đứa trẻ này sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ không gian, màu sắc, mùi vị, thậm chí là cần chiếc ghế phù hợp với con nữa.
  • Phong cách học tập toán học: học dựa trên sự logic, tức là con phải tìm ra quy luật của nó, từ đó con mới nhớ được bài học. Đây là cách học sở trường của mình, ngay cả khi đi học piano mình cũng phải tìm ra quy luật của những nốt nhạc thì sau đó mới nhớ để đánh được.
  • Phong cách học tập bằng hành động: tức là phải được vận động khi mới có thể tiếp thu tốt được, cha mẹ giúp con hiểu được điều này sẽ giúp ích cho con rất nhiều khi học ở trên lớp. Những đứa trẻ theo phong cách học bằng hành động mà bắt chúng ngồi im 45 phút thì chẳng khác nào hành hình chúng cả.
  • Phong cách học tập xã hội: yêu thích việc tương tác, học hỏi và kết nối với mọi người. Cách học này sẽ giúp con nhớ bài nhanh hơn, hiệu qủa hơn nên hãy khuyến khích con học nhóm với bạn tại nhà hoặc thư viện, hoặc quán cà phê. Năng suất học tập sẽ được cải thiện rõ rệt khi con có người học tập cùng.
  • Phong cách học tập cá nhân: ngược lại với xã hội chính là cá nhân, người này chỉ thích học một mình mà thôi, việc phải thường xuyên trao đổi với người khác sẽ khiến họ mất đi năng lượng và động lực. Vậy nên hãy tạo điều kiện thuận lợi để đứa trẻ theo phong cách học tập này được yên tĩnh để học một mình.

6. Chia sẻ niềm yêu thích học tập của bạn với con
Bạn vẫn đang không ngừng học tập mỗi ngày chứ? Mình tin là có, bộ não chúng ta luôn học được điều gì đó mới mẻ mỗi ngày. Tuy nhiên chúng ta cần phải học tập có chủ đích và cần phát triển tư duy học hỏi của mình. Chính tư duy học hỏi sẽ giúp chúng ta học được vô vàn những bài học giá trị xung quanh mình dù tình huống đó là tiêu cực hay tích cực. Khi bạn có được tư duy học hỏi thì bất cứ ai bạn gặp gỡ cũng sẽ cho bạn một bài học ý nghĩa nào đó.
Và đừng quên chia sẻ với con của bạn những điều bạn học được mỗi ngày.

Mình và con gái tối đến khi hai mẹ con nằm trên giường sẽ cùng chia sẻ những điều thú vị mà bản thân học được. Mình chia sẻ với con kiến thức mình học được từ sách hoặc từ một người bạn nào đó, con gái mình lại chia sẻ niềm vui học tập mà con học được ở trường. Chính việc chia sẻ như vậy sẽ giúp con bạn phát triển tư duy học hỏi, học thêm được nhiều bài học ý nghĩa qua lăng kính của mẹ, đồng thời khơi dậy niềm yêu thích học tập trong con.

7. Tạo ra sự thú vị trong học tập
Có những môn học thật sự là nhàm chán, chúng ta phải sáng tạo để giúp con tìm kiếm niềm vui từ việc học ấy. Nếu con đang học tiếng Nhật nhưng thấy việc viết từ mới là chỉ muốn từ bỏ thì chứng tỏ con đang không thấy hứng thú với việc học ấy. Cha mẹ dựa vào phong cách học tập yêu thích của con mà sáng tạo ra những cách làm con vui vẻ trở lại. Nếu con thích hình ảnh, hai mẹ con có thể lên google tìm kiếm hình ảnh ấy, rồi hai mẹ con cùng vẽ ra…thậm chí sáng tác thành câu chuyện cười.

Mình ví dụ từ mũ bảo hiểm trong tiếng anh là Helmet. Nếu bảo con học từ này thì có lẽ con cảm thấy rất khó nhớ và không thích tẹo nào, đặc biệt là các bạn lớp nhỏ. Mình thường đùa con là con hãy tưởng tượng ra một chú heo đang đội một cái mũ bảo hiểm trên đầu và chạy xe máy nên chú rất mệt…ta gọi là Helmet. Bạn nhà mình cười sặc sụa và rất nhớ từ đó. Bạn ấy bảo học vui thật mẹ ạ.

8. Tập trung vào quá trình thay vì kết quả
Thay vì bạn hỏi hôm nay con được mấy điểm hãy hỏi con hôm nay con học được điều gì? Con khi ấy sẽ kể cho bạn nghe những điều thú vị mà hôm nay con học được. Chính việc chia sẻ lại với bạn những điều con tâm đắc trong buổi học sẽ giúp con hệ thống lại kiến thức một lần nữa và khơi dậy được sự thích thú bên trong của con. Ngược lại nếu bạn chỉ chăm chăm vào điểm số, vào thành tích thì con biết rằng muốn được bố mẹ khen, muốn làm bố mẹ vui mình phải được điểm cao bằng mọi cách.

Chính việc bất chấp này sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ về sau. Bởi nhà trường là một xã hội thu nhỏ, một đứa trẻ từ nhỏ đã học cách bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được điều mình thích thì lớn lên rất khó để có được những phẩm chất tốt đẹp. Vậy nên hãy luôn hướng con của bạn đến việc tận hưởng quá trình học tập, nỗ lực của con thay vì chỉ chăm chăm vào kết quả.

9. Giữ cho không gian học tập ngăn nắp
Đây là điều mình học được từ chồng mình, mình vốn là người nghiện việc, yêu thích đọc sách và đôi khi rất tham lam trong kế hoạch cá nhân. Nghĩa là mình sẽ để hết những cuốn sách mình cần đọc, những cuốn sổ mình cần viết ra bàn. Con gái mình cũng thế, nàng cũng nghiện học như mẹ, vừa thích vẽ, vừa thích đọc sách, vừa thích làm bài tập cô giao…vô tình chiếc bàn của hai mẹ con trở thành một bãi chiến trường. Có thời điểm hai mẹ con về nhà, nhìn mọi thứ trên bàn là thấy ngợp. Nhưng rất may hai mẹ con luôn có người hùng siêu nhân xanh bên cạnh.

Chồng mình luôn giúp hai mẹ con sắp xếp các cuốn sách để lại giá sách gần với bàn học nhất. Và mình cũng học được bài học đó chính là luôn giữ không gian học tập thật ngăn nắp, gọn gàng. Từ đó giúp bản thân chúng ta và bé con của mình luôn dồi dào năng lượng mỗi lần ngồi vào bàn học. Mình đã áp dụng cách này kể từ ngày chồng mình góp ý với hai mẹ con, chính điều đó đã luôn khơi dậy được tinh thần học tập từ bé con của mình mỗi lần nàng ấy đi học về.

10. Ghi nhận và tôn vinh những thành tựu nhỏ
Chúng ta thường chỉ tập trung vào những thành tựu rất lớn mà quên đi những thành tựu lớn ấy được tập hợp từ chính những thành tựu nhỏ mà ta chắt chiu mỗi ngày. Lớp thuyết trình của mình, dù là người lớn hay trẻ em thì mình luôn ghi nhận và tôn vinh những thành tựu nhỏ mà họ làm được. Cứ mỗi ngày một chút, mỗi ngày một chút. Mình luôn ghi nhận những điều họ đã làm được, đã xuất sắc hoàn thành, sau đó mới chỉ ra cho họ những điểm họ cần cải thiện. Chính điều đó giúp họ vững tin hơn vào những giá trị của bản thân. Có những cha mẹ nhắn cho mình là cô Nghĩa làm sao mà siêu quá, bạn nhà chị chỉ chờ được cô nhận xét thôi. Đọc nhận xét của cô mà cứ cười tủm tỉm. Nhất là hôm nào được cô khen, vinh danh lên nhóm là vui cười sung sướng cả ngày. Và bạn thấy đấy, học viên nào của mình sau khi hoàn thành xong khoá học cũng đều thêm tự tin vào bản thân, làm chủ kỹ năng thuyết trình dù con ở bất cứ môi trường nào. Điều đó không phải là tự nhiên mà nó chính là sự góp nhặt, chắt chiu từng thành tựu nhỏ mỗi ngày.

Vậy nên mình rất mong các cha mẹ hãy áp dụng cách này với bé con của mình. Hãy luôn ghi nhận và tôn vinh những thành tựu nhỏ để giúp con tự tin hơn vào bản thân để tiếp tục cố gắng, nỗ lực nhằm đạt được những thành tựu lớn trong tương lai.

11. Tập trung vào những điểm mạnh
Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh yếu khác nhau, chính bản thân của chúng ta cũng thế. Vậy nên thay vì cứ cố gắng xoáy vào những điểm yếu của con, cha mẹ hãy giúp con tập trung vào những điểm mạnh của mình, phát triển nó lên để tạo ra sự đột phá.

Mình ví dụ thế này: bé con nhà bạn học Toán rất giỏi nhưng môn văn con lại gặp khó khăn trong việc diễn đạt. Con bị rất nhiều bạn nói là học dốt…lúc này ta phải ngồi lại với con để giúp con nhận diện có phải là con dốt không? Nếu dốt tại sao Toán con lại học xuất sắc thế? Khi ấy bé con của bạn sẽ được củng cố niềm tin rằng mình không dốt, chỉ là mình chưa tìm được cách học phù hợp thôi. Cũng vì thế con gỡ bỏ được tâm lý đè nặng trong người. Lúc này hai mẹ con sẽ cùng nhau xem lại môn Văn vì sao con lại làm chưa tốt, chưa tốt vì con viết lủng củng, chưa biết cách diễn đạt. Mẹ bảo con rất giỏi Toán, vậy nên tư duy logic của con rất phát triển, mẹ có chủ ý này. Con hãy lập ra dàn bài trước rồi sau đó mới viết, dàn bài chính là cái khung, mà cái khung này lại chính là sở trường của con. Bạn thấy đấy, bạn đã giúp con tìm được ra sở trường trong sở đoản rồi. Sau đó bạn tiếp tục giúp con tìm hiểu các cách để có thể cải thiện được môn Văn của mình. Như đọc đa dạng các loại sách, viết nhật ký mỗi ngày, học hỏi thêm từ bạn bè hoặc những bài viết hay trên mạng….Khi ấy chắc chắn con sẽ chinh phục được môn Văn mà con từng nghĩ là khó nhằn kia.

12. Khiến mỗi ngày đều trở thành ngày học tập
Ý này hơi trùng với ý chia sẻ niềm yêu thích học tập với con nhưng mình vẫn muốn viết ra vì mình muốn nhấn mạnh lại việc HỌC TẬP CÓ CHỦ ĐÍCH. Nếu như bạn có được tư duy học hỏi thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, gặp được ai bạn cũng sẽ học được một điều gì đó ý nghĩa và giá trị cho riêng mình. Chính điều đó sẽ giúp bạn và con khiến mỗi ngày đều trở thành ngày học tập.
Bạn và con đi xe taxi, gặp được một chú tài xế nói chuyện rất thú vị, chú ấy không những lái xe rất an toàn mà còn như một người hướng dẫn viên, kể cho hai mẹ con bạn những sự thay đổi của thành phố từ xưa đến nay. Bạn cảm giác chú ấy như một cuốn từ điển sống. Bạn học được nhiều không? Mình tin là rất nhiều. Mình đã từng gặp tình huống như vậy, mình đã chia sẻ với bé con rằng một người mà họ hiểu hết về thành phố, hiểu từng sự thay đổi dù là nhỏ nhất chứng tỏ họ rất giỏi quan sát, rất yêu quê hương. Có giỏi quan sát, có yêu quê hương họ mới có thể chia sẻ hay và sâu sắc đến thế. Con thấy đấy, cũng là công việc lái xe nhưng mỗi người lại mang tới cho hành khách của mình những cảm nhận khác nhau. Mẹ tin là rất nhiều hành khách sẽ thích đi xe của chú vì chú vừa hiểu biết, vừa vui vẻ lại nói chuyện rất thú vị. Nói chuyện với chú người tỉnh mình sẽ thêm yêu mến và tự hào về quê hương. Người ở tỉnh khác thì họ sẽ thấy được sự thay đổi và phát triển của tỉnh mình theo thời gian con gái ạ.

Bạn thấy đấy, việc học tập nó không chỉ là ngồi ở bàn học tại nhà hay trong lớp học tại trường mà nó diễn ra ở khắp mọi nơi. Hãy tận dụng bất cứ cơ hội nào khi bạn đi bên con, đồng hành cùng con để hai mẹ con cùng học được những điều ý nghĩa và bổ ích trong cuộc sống này bạn nhé. Hi vọng 12 chiến lược này sẽ giúp bạn khơi dậy được niềm yêu thích học tập của bé con nhà mình bạn nhé!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *