Chia sẻ sách Đọc sách

TÂM HỒN CAO THƯỢNG

Cuốn sách đã lấy đi rất nhiều nước mắt của mình. Mình biết đến cuốn sách khi đọc “Một đời như kẻ tìm đường” của thầy Phan Văn Trường. Trong sách thầy nói rất nhiều đến cuốn sách này, thầy chia sẻ rằng chính cuốn sách đã định hình nên nhân cách của thầy từ thuở ấu thơ. Thầy cũng đã khóc rất nhiều vào mùa hè năm ấy khi đọc. Mình rất tò mò là cuốn sách ấy như thế nào mà khiến cho thầy của mình tâm đắc, ấn tượng đến thế. Cuốn sách như thế nào mà có thể kiến tạo nên một con người xuất chúng nhưng lại có một trái tim ấm áp, rộng mở và cho đi như vậy. Khi đọc xong cuốn sách thì mình quả thực đã trả lời được những băn khoăn ấy.

Cuốn sách dày gần 500 trang, nhưng đọc cực kì lôi cuốn. Cái khó nhất khi đọc cuốn sách này đó là xúc động nhiều quá, mình đã phải dừng lại rất nhiều lần nếu không sẽ oà khóc nức nở. Những câu chuyện bình dị, nhẹ nhàng nhưng có một tác động vô cùng sâu sắc đến bản thân mình. Mình học được quá nhiều điều ý nghĩa từ những câu chuyện bình dị ấy. Đặc biệt là tình yêu thương giữa người với người. Khi đọc xong cuốn sách mình rất mong muốn có thể lan toả tinh thần của cuốn sách này đến các bậc làm cha làm mẹ, mình tin cha mẹ nào đọc xong cũng muốn những đứa con thân yêu của mình có thể đọc được. Bởi nội dung các câu chuyện chân thực, ấm áp và tử tế vô cùng. Chính sự tử tế ấy sẽ kiến tạo nên được một LA BÀN NỘI TÂM sâu sắc cho mọi đứa trẻ. Chia sẻ đến mọi người những điều giá trị mình đã, đang và sẽ tiếp tục áp dụng vào cuộc sống sau khi đọc xong cuốn sách này.

1. Viết thư để giáo dục, nâng đỡ và song hành cùng con

Mình đã khóc rất rất nhiều vì những lá thư mà bố mẹ viết cho Enrico. Những lá thư chan chứa tình yêu thương nhưng mang tính định hướng, chuyển hoá rất lớn. Khi Enrico cư xử không đúng mực với mẹ thì cha cậu bé là người viết thư cho con trai mình. Cha cậu đã kể cho Enrico nghe về sự tảo tần, yêu thương mà mẹ dành cho cậu. Thậm chí có những giây phút thập tử nhất sinh, mẹ cậu đã khóc ngất đi vì sợ mất con. Cuộc đời của mỗi người sẽ ít nhiều phải trải qua những ngày bất hạnh, mất mát nhưng ngày bất hạnh, mất mát nhất trong cuộc đời của mỗi người chính là ngày mà ta mất mẹ. Mình đã cảm nhận được sâu sắc điều này khi nhìn thấy chồng mình mất đi người mẹ kính yêu. Lúc ấy mình chỉ biết đến bên cạnh để vỗ về, động viên anh. Anh đã khóc và suy sụp rất nhiều những ngày sau đó. Mình biết chẳng có nỗi đau nào lớn đến vậy.

Ngày mình còn bé, mình hay nói lý với mẹ lắm, thế nên hai mẹ con mình không được hoà hợp. Vì mẹ mình hay so mình với con nhà người ta, mình ngày bé vì chăm học nên học rất nhiều, làm việc thì không giỏi như những bạn đồng trang lứa cạnh nhà. Thế nên mẹ cứ “dạy mà xem con nhà người ta, 5h sáng đã dậy phơi rơm, phơi lúa cho mẹ, còn mi thì mặt trời lên rồi mới dậy.” Mình biết mình sai nên mình không nói gì, cũng nhanh chóng ra làm việc, nhưng mẹ cứ nói tiếp, rồi mình giận quá mất khôn, nói lí lại với mẹ “mẹ thích con nhà người ta thì mẹ bế về nuôi đi, mỗi người một kiểu chứ, con học bài muộn nên giờ con mới dậy, mẹ cứ cằn nhằn con mãi”. Bố nghe xong cười, bảo mẹ không nói mình nữa, mình làm việc nhưng cứ giận giận mẹ. Nghĩ lại những ngày tháng đó, mình cứ hối hận khôn nguôi. May mắn là dù bướng bỉnh, cá tính và hay nói lí lẽ với mẹ nhưng mình chưa bao giờ hết yêu, hết thương mẹ.

Tình yêu của mình dành cho mẹ bùng cháy khi mình đi học đại học. Ngày nào mình cũng gọi về cho bố mẹ, có những ngày hai mẹ con mình nói chuyện với nhau đến cả tiếng đồng hồ. Mẹ luôn rất yêu thương, quan tâm và tin tưởng mình tuyệt đối. Chính tình yêu thương ấy đã cho mình động lực rất lớn để kiên cường vượt qua những năm tháng sinh viên vất vả, túng quẫn. Đến nay thì khỏi phải bàn, tình cảm của mình dành cho mẹ cũng như các thành viên khác rất nồng nàn, sâu sắc. Mình không ngại ngần để thể hiện tình yêu ấy với bố mẹ hay hai em, kể cả em trai. Mình vẫn ôm và khen ngợi cu cậu như thường mỗi khi cu cậu về nhà thăm gia đình. Khi đọc những câu chuyện trong cuốn sách, nghĩ về mẹ mình đã khóc rất nhiều. Mẹ mình nuôi mình và các em đều rất vất vả, cứ nghĩ mẹ đã chứng kiến cảnh mình chết hụt ba lần trong vòng tay mẹ thì mẹ sẽ đau đớn, sợ hãi cỡ nào. Nghĩ đến đó chỉ muốn về để nhào vào lòng vay thân yêu của mẹ.

Với con gái, mình cũng đã chia sẻ cùng chồng về cách này. Mình rất muốn viết thư cho con gái, mình tin con sẽ cảm nhận được sâu sắc tình yêu thương và những thông điệp mà bố mẹ gửi gắm trong thư. Mình đã bắt đầu viết thư cho con vào những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của con. Và mình muốn làm đều đặn hơn việc đó. Con cũng chuẩn bị tốt nghiệp mầm non, mình sẽ viết cho con một lá thư để con nhớ mãi về bạn bè, thấy cô dưới mái trường mà con đã gắn bó nhiều năm. Mình cũng sẽ cùng con viết thư cảm ơn hai cô giáo đã luôn yêu thương, quan tâm và hết lòng vì con cùng các bạn. Mình tin tình yêu ấy sẽ là động lực rất lớn để giúp hai cô vững tin hơn với sự nghiệp trồng người của mình. Bố mẹ mình dù không biết viết thư nhưng bố mẹ rất hay nói ra những lời quan tâm, yêu thương mình. Thế nên mình luôn dễ dàng thể hiện tình cảm với bất cứ ai mà không bao giờ phải lo sợ mọi người sẽ cười chê, hay khó xử. Vì mình đã được bố mẹ truyền cho tình yêu ấy rất nhiều năm. Bây giờ mình sẽ tiếp tục kiến tạo ra môi trường như thế cho các con của mình.

May mắn nhất cuộc đời của mình là có được một anh chồng tuyệt vời. Anh luôn yêu mình, yêu con, yêu gia đình và nỗ lực hết sức để có thể tạo dựng nên một môi trường sống an toàn, hạnh phúc cho các con cả về tinh thần lẫn thể chất. Vì tình yêu ấy, mình biết anh cũng đã cố gắng rất nhiều, cố gắng dẹp bỏ những cuộc nhậu cuối ngày để về đón con. Cố gắng dành thời gian để rèn luyện bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Và cố gắng cuối tuần nào cũng song hành cùng vợ con của mình để con có những năm tháng tuổi thơ, hạnh phúc đúng nghĩa. Mình tin khi anh đọc cuốn sách này anh cũng sẽ có những đồng điệu với mình. Chúng mình sẽ gắn kết bền chặt hơn nhờ tinh thần mà cuốn sách mang tới.

2. Yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh

Đây là điều mình nghĩ chúng ta có thừa khả năng nhưng nó lại rất thiếu thốn trong xã hội hiện đại ngày nay. Các thuật toán đã lấy đi của chúng ta rất nhiều thời gian, có những người còn không có một chút thời gian nào rảnh để trò chuyện với con vì còn mải lướt các trang mạng xã hội. Đến những người thân yêu ta còn không có thời gian thì làm sao để ta có thể quan tâm đến những người xung quanh bây giờ? Cách duy nhất để ta có thể thoát khỏi những cạm bẫy thuật toán này chính là SỰ CHÚ TÂM.

Chú tâm vào bản thân, vào những người mà ta đang hiện diện, để xem có thể giúp họ thế nào, đồng hành với họ ra sao. Mình là người luôn biến những thứ phức tạp thành đơn giản, luôn biến những gì trên giấy thành thực tế. Nghĩa là bất cứ điều gì mình học, mình đọc được mình sẽ tìm cách để thực thi, hiện thực hoá nó. Cách mình thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đến những người xung quanh cũng như vậy. Mình dành tình yêu thương, sự quan tâm ấy đến bất cứ ai mình gặp gỡ. Đi học thì giúp thầy, giúp bạn. Ở nhà thì giúp cha, giúp mẹ, giúp chồng, giúp con. Ra xã hội thì giúp những người mình gặp gỡ trên bất cứ hành trình nào. Mỗi lần như thế mình lại thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Dự án đi học bằng lái xe B1 của mình vui đến mức mà chị em nào cũng nói “sao mà chị cảm thấy mình may mắn thế khi được học với thầy với nhóm mình”. Thầy dạy vui đến mức quên đi cả sự mệt mỏi, vất vả sau một ngày dài giảng dạy. Cứ thế chúng mình cùng nâng đỡ, hỗ trợ và tiếp nối nguồn năng lượng cho nhau. Học thêm sau giờ làm nhưng chẳng thấy ai ỉu xìu, chán nản, ngược lại lúc nào cũng hạnh phúc, rạng rỡ. Với mình HẠNH PHÚC hoàn toàn có thể kiến tạo được khi ta biết yêu thương, biết quan tâm và biết trân quý nhau. Yêu thầy, yêu bạn, yêu mọi người xung quanh bạn sẽ thấy cuộc đời này luôn dành cho bạn những điều tốt đẹp nhất.

3. Tạo ra cầu nối giữa các thế hệ

Mình đã suy nghĩ rất rất nhiều về điều này khi nghe workshop của thầy Trường. Điều mà thầy cảm thấy lo lắng nhất hiện nay chính là sự đứt gãy giữa các thế hệ. Mình cũng cảm nhận sâu sắc điều này từ đại gia đình của mình. Mình biết mình được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, các ông chú của mình cũng đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, xương máu, mồ hôi và nước mắt của bản thân để chúng mình có ngày hôm nay. Nhưng mình tuyệt nhiên không biết một chút gì về điều ấy cả.

Thế rồi mình đã mang theo trăn trở ấy suốt nhiều ngày sau đó. Và vào một ngày giỗ của các cố, mình ra hỏi ông chú của mình – người ông mà mình trân trọng và biết ơn nhất trong đại gia đình. Mình đã được ông kể về những chuyến hành quân của ông, ông xa nhà, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ Quốc từ năm 17 tuổi. Ông trải qua rất nhiều trận thập tử nhất sinh, làm bạn với khói đạn và những khắc nghiệt mà kẻ thù đem lại. Ông kể rất rất nhiều, nhưng điều khiến mình ấn tượng nhất đó là khi ông nói “có những lúc bọn ông khát cháy cổ mà vẫn không có nước uống, tranh thủ lúc con lợn rừng đi tè, chạy vội ra lấy nước tè của nó mà uống. Một tay ông bịt mũi, tay kia ông bỏ vào miệng để uống. Lúc đó chỉ nghĩ đến nhất định phải sống, sống để còn bảo vệ đất nước, sống để còn về gặp lại bố mẹ cháu ạ”. Mình đã suýt bật khóc khi nghe ông kể.

Rồi mình đem những suy tư này mà nhắn tin cho các o, các chú của mình. Mình rất mong kéo gần khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Và nhất là mình mong các thế hệ con cháu như mình biết được sự hi sinh, sự vất vả của các thế hệ cha anh để mà nỗ lực, mà cố gắng. Mà biết rằng những gì hôm nay ta đang có, đang được tận hưởng nó không phải là đương nhiên. Nó đã được trả bằng rất nhiều máu, nhiều mồ hôi và nước mắt của rất nhiều thế hệ. Tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước cũng vì thế mà được vun bồi, xây đắp. Mình tin dự án này của mình sẽ thành công, bởi người chú có tiếng nói nhất trong đại gia đình của mình đã sẵn sàng hỗ trợ, giúp sức cùng mình. Khi ấy không những khoảng cách giữa các thế hệ được kéo lại gần nhau hơn mà gia đình sẽ thêm đoàn kết, yêu thương và trân quý nhau.

4. Dạy chữ cho bố

Nếu ai song hành cùng Lê Nghĩa đủ lâu thì sẽ biết về hoàn cảnh gia đình mình, nhất là về người bố mà mình yêu quý. Bố mình sống như trẻ mồ côi từ bé, vì thế bố mình không được đi học và không biết chữ. Đó là điểm yếu của bố mình, nhưng cũng chính điểm yếu này đã khiến ông có động lực ghê gớm để nuôi các con ăn học nên người. Ngày bé bố mình luôn nói “học là con đường duy nhất để giúp con thoát nghèo và sống hạnh phúc, thế nên con phải cố gắng học thật giỏi, đừng để phải khổ như bố mẹ, vất vả thế nào bố mẹ cũng sẽ cố gắng để lo cho con”. Những lời đó cứ văng vẳng bên tai mình, nó đã in sâu vào tiềm thức của mình đến độ nếu một ngày mình không được thứ gì mới mình cứ thấy thiếu thốn, chênh vênh.

Và rồi gần đây khi dạy cho bé con nhà mình học chữ, mình chợt nghĩ sao mình không dạy cho bố. Thay vì cứ để bố mãi mặc cảm tự ti vì bản thân không biết chữ, sao mình không giúp bố vượt qua sự mặc cảm ấy bằng việc học. Và thế là mình đã có 30 phút đồng hành cùng bố như thế. Mình hỏi bố, ngày xưa con nhớ bố đã biết bảng chữ cái, vì bố là người đã cùng mẹ dạy cho con khi con còn học mẫu giáo phải không? Bố bảo ừ. Mình liền chuyển qua ghép chữ cho bố luôn, áp dụng phương pháp của tiến sĩ Nguyễn Thành Nam trong Tiếng Việt Mẫu Giáo mình dạy bố về cách ghép các thanh vào từng từ. Ba, bà, bá, bả, bã, bạ. Mỗi lần bố học xong được một từ mình lại khen, đấy, bố rất thông minh, bố học nhanh quá. Chứng tỏ bố không những tính toán tốt mà còn học chữ rất nhanh. Rồi mình lại tiếp tục, cứ thế 30 phút trôi qua bố mình đã học được tương đối nhiều từ. Mình đang tích cực trò chuyện với mẹ để mẹ có thể đồng hành với bố. Hi vọng là sẽ sớm giúp bố mình đọc thông, viết thạo và có thể hát karaoke hay đọc sách như bố vẫn mơ ước bấy lâu.

5. Dạy nói cho em

Lúc đọc đến câu chuyện về ngôi trường câm điếc dạy nói cho trẻ em, mình đã khóc sưng cả mắt khi người cha được nghe tiếng con gái gọi mình. Cô con gái khiếm khuyết của ông chẳng những hiểu được điều ông nói mà còn có thể giao tiếp với ông. Mình đồng cảm sâu sắc với chuyện đó, mình tin đây cũng là cách mà mình có thể đồng hành cùng em gái của mình. Em gái mình ngày bé do bị sốt cao nên lên cơn co giật, dẫn đến em bị viêm màng não, lưỡi ngắn lại, không nói được. Tay phải do truyền thuốc quá nhiều nên dẫn đến giờ khó cầm nắm. May mắn là em gái mình vẫn sống khoẻ mạnh, tư duy vẫn tốt, vẫn có thể nghe được nhưng ngày bé vì mặc cảm nên em đã không đi học. Đó cũng là điều mà mình cảm thấy đáng tiếc nhất, giá mà lúc đó mình hiểu biết hơn để có thể động viên em đi học. Thế nhưng muộn còn hơn không, mình đã bắt đầu dạy chữ cho em như cách mà mình đã đồng hành với con gái.

Giờ mình sẽ dùng cách mà ngôi trường câm đíếc họ dạy học sinh, mình sẽ cho em nhìn kĩ khẩu hình miệng của mình rồi bắt trước theo. Cái khó ở đây là lưỡi em mình bị ngắn nên dễ hụt hơi, khi nói em sẽ không nói được nhiều từ một lúc. Mình đã cùng em luyện tập qua điện thoại được hai lần rồi, từ giờ mình sẽ đặt ra mục tiêu mỗi tuần về tranh thủ đồng hành cùng bố và em. Mình hi vọng bố mẹ mình sẽ sớm được nghe em nói, và cô em gái của mình sẽ sớm hát được những bài hát mà em yêu thích. Mình chợt nhận ra nhà mình ai cũng yêu thích việc ca hát và khá là có khiếu trong bộ môn này. hihi, có lẽ đó là động lực rất lớn để mình có thể thắp lên ngọn lửa trong lòng bố và em gái thân yêu.

Một cuốn sách rất rất hay, mình mong nhà nào cũng có cuốn sách này trong tủ sách gia đình.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

1 Comment

  1. Nice post. I learn something totally new and challenging on websites

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *