Chia sẻ sách Đọc sách Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện

BẢY THÓI QUEN TẠO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC – STEPHEN R.COVEY

Theo lời hẹn Thuý lại đến khu biệt thự cổ kính để báo cáo tình hình học tập của mình. Lần này cô tự đi chứ không cần Hồng phải đưa đến nữa. “Người dẫn đường” của cô ra mở cửa, cô nhẹ nhàng cúi chào. Anh bảo cô “em vào đi, chúng ta sẽ trò chuyện ở bàn trà hôm trước, anh đã pha sẵn một ấm rồi”. Cô vào và đưa cho anh một cuốn sổ tay. Cô báo cáo anh như sinh viên gửi bài khoá luận cho giảng viên vậy. Anh thoáng cười rồi bảo “em làm tốt lắm, từ giờ em đã có các công cụ để tư duy sâu rồi. Em muốn kiến thức là của mình thì em phải thực hành liên tục, chỉ có hành động mới tạo ra thành quả”. Anh lại tiếp tục:

Hôm nay em sẽ có bài học tiếp theo, bài học về xử lý cảm xúc. Nếu em để cho cảm xúc của mình bị chôn sâu thì không khác gì nhà có rác mà em lấy thảm phủ lên đống rác ấy. Ban đầu em sẽ không cảm thấy vấn đề gì vì rác đã không còn hiện diện trong mắt em nữa, nhưng em biết đấy, theo thời gian đống rác ấy sẽ bốc mùi hôi thối. Cảm xúc cũng vậy, nếu em không biết cách đối diện để giải toả chúng thì nó sẽ trở thành u nhọt bên trong em, chúng sẽ phá huỷ em theo thời gian. Em đã đọc cuốn sách “thông điệp của nước” chưa? Đó là một cuốn sách rất hay của Masaru Emoto – tác giả người Nhật. Ông đã viết nên cuốn sách ấy sau rất nhiều năm tháng nghiên cứu các phân tử nước. Em biết đấy ngày chúng ta còn trong bụng mẹ, 100% cơ thể của chúng ta là nước, thế rồi lớn lên, ra đời dần dần chúng ta còn 70% là nước. Vì vậy, thí nghiệm này cho chúng ta rất nhiều điều thú vị để có thể ứng dụng vào đời sống. Điều anh ấn tượng nhất đó chính là những lời nói, cảm xúc đều sẽ có tần số và năng lượng. Trong khi những lời nói, cảm xúc khiến cho các phân tử nước biến đối và trở nên xấu xí thì những lời nói tràn đầy yêu thương, cảm xúc tích cực, sẽ tạo ra những phân tử nước đẹp tuyệt trần. Đặc biệt là lòng biết ơn – chúng mang tới những phân tử nước đẹp đến động lòng người em ạ.

Khi đi học chúng ta thường chỉ tập trung vào kiến thức, tư duy mà ít ai để ý tới cảm xúc. Thế nhưng cảm xúc lại là một phần không thể thiếu trong cuộc đời ta. Một ngày suy nghĩ có thể lên đến 60 ngàn nhưng cảm xúc chỉ có hai loại hoặc là tích cực, hoặc là tiêu cực chứ không thể nào cả hai. Tiêu cực không hoàn toàn xấu, nhưng nếu để nó trú ngụ quá lâu bên trong của chúng ta chúng sẽ cực kì nguy hiểm. Nó gây ra rất nhiều căn bệnh về thần kinh như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, tâm thần, nó dẫn dắt con người ta làm những điều tồi tệ trong vô thức….và một thực trạng đáng báo động là càng ngày những căn bệnh này càng trở nên phổ biến. Lý do nằm ở sự thay đổi chóng mặt của xã hội, nó khiến con người ta lúc nào cũng vội vã, nhanh chóng và bị cuốn trôi theo. Công nghệ giúp ta kết nối với nhau dễ dàng hơn nhưng cũng chính nó lại phá huỷ những mối quan hệ bên ngoài thực tế cuộc sống. Nhiều gia đình bị đứt gãy thế hệ, nhiều mối quan hệ bị đổ vỡ vì các thành viên không có thời gian cho nhau. Ban ngày 8 tiếng cho công việc, ban đêm về điện thoại, ti vi lại lấy thêm của họ 4 – 5 tiếng nữa. Mà việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử liên tục cũng gây ra sự biến đổi của các phân tử nước bên trong chúng ta. Chúng trở nên xấu xí, rời rạc và màu bị xỉn đi theo thời gian. Nhiều người luôn có tâm lý sợ bỏ lỡ điều gì đó nên họ cứ mải miết lao ra bên ngoài và nắm lấy. Nhưng thực tế chính sự mải miết đó đã khiến họ đánh mất đi chính mình.

Em hiểu những gì anh đang chia sẻ, khi biết chồng em có người khác, em đã rất đổ vỡ, em đau khổ đến tột cùng. Giây phút ấy em đã thấy sự lạnh lùng, căm phẫn ở bên trong em nổi dậy. Em đã nói ra rất nhiều những lời tổn thương dành cho anh ấy. Em không biết mình làm thế có đúng không, xưa nay em đều rất yêu và tôn trọng chồng em. Cú sốc đó khiến em gục ngã….em đã chốn chạy anh ấy, em đã điên cuồng, bấn loạn trong những ngày tháng sau đó. Cho đến khi chúng em gặp nhau tại toà. Nhìn anh ấy hốc hác, gầy rộc đi em rất đau lòng. Em đã phải chạy vào nhà vệ sinh và cắn tay mình đến chảy máu để giữ chút lý trí cuối cùng bên trong em. Khi ba mẹ con đi, anh ấy đã cố níu lấy nhưng có lẽ cái tát của em đã làm anh ấy nói lên những lời như sát muối vào tim em. Những ngày sau đó em đã nỗ lực làm việc để quên đi những cảm xúc đang dâng lên bên trong. Em thực sự không biết em làm như thế là đúng hay sai nữa.

Em không sai nhưng cách làm đó sẽ khiến em mệt mỏi, khắc khoải theo thời gian. Mỗi chúng ta đến với thế giới này đều sẽ có những bài học khác nhau trên trường đời, chỉ có vũ trụ mới biết đâu là bài học mà em cần học để trở nên mạnh mẽ, vững vàng và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình theo thời gian. Em buộc phải học và tốt nghiệp bài học ấy nếu không thì bài học đó sẽ còn lặp đi lặp lại với mức độ ngày càng tàn khốc và cay đắng hơn nữa. Hôn nhân đổ vỡ không phải là do người thứ ba mà là do mối quan hệ đó đã có những vấn đề từ trước. Người kia xuất hiện để hai em nhận ra bài học ấy. Nếu em cứ mãi u mê không nhìn ra thì bài học ấy sẽ còn lặp lại nhiều lần nữa. Dù em và người đàn ông của em có tiến đến với một ai khác nữa thì bài học ấy sẽ vẫn còn lặp lại, đơn giản vì cả hai chưa học xong những bài học mà bản thân cần học.

Nước mắt Thuý đã trực trào, hôm nay khi nhìn thẳng vào cuộc hôn nhân của mình, cô đã không thể ngăn những cảm xúc đang dâng trào trong tim. Cô biết cô buộc phải đối diện với những cảm xúc này. Buộc phải nhìn thẳng vào chúng để vượt qua và chuyển hoá, giấu nhẹm đi không bao giờ là cách tối ưu. Nói rồi cô hỏi người dẫn đường “Thế giờ em phải làm gì? Em sẽ không chốn chạy nữa mà sẽ thực hiện theo những gì anh hướng dẫn ạ.”

Đầu tiên em hãy đọc cuốn sách này “bảy thói quen tạo gia đình hạnh phúc”, đọc xong em hãy soi chiếu lại cuộc hôn nhân của mình. Nhận ra gốc rễ của sự đổ vỡ, rồi viết ra những bài học mà em học được từ cuộc hôn nhân ấy. Nhiệm vụ này có thể khiến em phải khóc rất nhiều nhưng anh tin rằng nó xứng đáng. Anh muốn em thay đổi nhận thức trước thông qua cuốn sách này rồi mới soi chiếu lại cuộc hôn nhân của em, khi ấy mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng và mạch lạc. Em sẽ không để những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm hoàn toàn, em vẫn có thể nhìn thấy nó nhưng dưới một con mắt khác, con mắt của sự thông tuệ, hiểu biết và giác ngộ. Em hãy về đọc và viết ra những bài học ấy, sau đó làm theo những gì trái tim mình mách bảo. Xong xuôi em báo cho anh biết, đây là thông tin liên lạc của anh. Nếu tới em báo anh trước một ngày. Anh chỉ kiểm tra mail vào 11 giờ trưa và 4 giờ chiều. Nếu có việc gấp em hãy gọi trực tiếp cho anh.

Cô cảm ơn anh rồi ra về. Cô thầm cảm ơn Hồng vì đã giúp cô kết nối với người dẫn đường minh triết. Giờ đây cô đã hiểu tại sao rất nhiều người thành công nói rằng, hãy chọn cho bản thân một người dẫn đường dù bạn đang ở trên bất cứ hành trình nào. Cầm cuốn sách về cô đã không kìm được mà đọc ngay. Đọc tới đâu cô nhớ về cuộc hôn nhân của cô đến đó. Lâu nay cô cứ nghĩ rằng hôn nhân chỉ cần hai người yêu nhau, cùng hướng về một hướng là đủ. Nhưng nó chỉ là lý thuyết, nó cần cụ thể, rõ ràng để các thành viên trong gia đình cùng nhìn thấy.

Một gia đình tan vỡ thì sẽ có vô số những nguyên nhân khác nhau nhưng một gia đình hạnh phúc thì lại có chung rất nhiều điểm tương đồng. Một trong số đó chính là 7 thói quen mà mỗi cá nhân cần nằm lòng. Cô nhận ra từ ngày cô và Quân lấy nhau, cô chưa bao giờ cùng anh ngồi lại để nói về những giá trị mà gia đình cô cần ưu tiên hướng tới. Cô cũng chưa bao giờ cùng anh lập ra BẢN TUYÊN NGÔN VỀ NHIỆM VỤ GIA ĐÌNH – bản tuyển ngôn để giúp các thành viên hiểu sâu sắc về nhiệm vụ của gia đình và nhiệm vụ của mỗi thành viên trong gia đình ấy. Mọi người chưa có chung đích đến, vậy nên mỗi người đi theo một hướng khác nhau, cuối cùng thì hai người hai lối đi.

Khi đọc sách mới đến thói quen thứ nhất “sống chủ động”, cô đã bật khóc như mưa. Cuộc hôn nhân vốn dĩ rất hạnh phúc của cô, không biết từ bao giờ cô đã không chủ động trò chuyện, chia sẻ với anh nữa. Cô đã chuyển sang vai nạn nhân, cô than trách, buồn lòng vì anh không có thời gian cho cô và hai con. Thế nhưng những lúc anh gợi ý hai vợ chồng đi chơi riêng cùng nhau, cô lại gạt đi vì lo cho hai con ở nhà. Dần dần mối quan hệ của hai vợ chồng cứ nhãng dần nhau ra.

Một mối quan hệ muốn vững bền theo thời gian thì cần tạo ra những THỬ THÁCH mới trong đó. Thử thách mới này có thể là những kế hoạch nhỏ mà cà hai cùng làm với nhau như đi du lịch, đi cà phê, cùng nhau đọc sách hay đơn giản là đi thể dục cùng nhau. Thế nhưng cả cô và anh đến thời gian làm tình cũng chỉ tính bằng đầu ngón tay trong tháng. Thời gian anh ở công ty còn nhiều hơn thời gian anh ở với con và cô. Vậy nên việc anh có một mối quan hệ khác là điều khó tránh khỏi, lý do vì anh ấy không có thời gian để cùng cô và con tạo nên những gắn kết và trải nghiệm. Trong khi đó lúc anh làm việc, anh và cô gái kia sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị với nhau, họ cùng tận hưởng những niềm vui sau những ngày vất vả, gian truân. Gắn kết, cảm mến nhau sau đó là điều rất dễ hiểu.

Điều khiến cô hối hận nhất chính là cô luôn đóng vai nạn nhân trong cuộc hôn nhân của mình, cô vẫn luôn nghĩ là do chồng cô phản bội nên mới đẩy ba mẹ con cô vào hoàn cảnh này. Nhưng thực ra cô là nguyên nhân chính. Cô đã đánh mất chính mình từ rất lâu, cô đã luôn phản ứng thay vì phản hồi. Cô quên rằng là một con người cô có quyền LỰA CHỌN sống, hành động theo những giá trị bên trong mà cô theo đuổi chứ không chỉ phản ứng một cách đơn thuần, bản năng. Khi cô nhận được tín hiệu từ chồng, lẽ ra cô phải đọc được những thông điệp phía sau ấy, nhưng cô gạt phăng nó đi, đến lúc mọi thứ đã hoàn toàn chệch hướng cô mới vỡ oà trong xót xa và đau đớn.

Yêu vốn dĩ là một động từ nhưng cô lại xem nó như tính từ, cô chẳng có thời gian để thể hiện tình yêu thương ấy để chồng cô hiểu và cảm nhận. Ở vai trò làm mẹ cô đã làm rất tốt nhưng ở vai trò làm vợ cô đã sai rất nhiều. Vốn dĩ cô nên chia sẻ thẳng thắn với anh ấy những gì mà trái tim cô đang cảm nhận, nhưng cô lại phớt lờ nó và nói ra những điều khiến mối quan hệ của cả hai càng thêm xa cách.

Giữa hai người luôn có một ngân hàng tình cảm, thế nhưng cả cô và anh đều chỉ chăm chăm rút ra mà ít khi bỏ vào. Sự yêu thương, trân quý hoàn toàn bị thay thế cho sự trách móc, khó chịu. Tình yêu ngày nào sẽ vơi dần rồi biến mất lúc nào chẳng hay. Anh từng hứa sẽ luôn chăm sóc, yêu thương cô hết lòng. Cô cũng đã hứa sẽ luôn tin tưởng, sát cánh cùng anh trên mọi chặng đường thế nhưng cả hai đã không dành cho cuộc hôn nhân của mình SỰ ƯU TIÊN QUAN TRỌNG. Nếu cô xem anh quan trọng như hai con, cô đã có thể sắp xếp để hai bạn nhỏ cuối tuần về ông bà chơi, để cô cùng chồng có thời gian ngồi lại với nhau. Nếu anh xem hạnh phúc của gia đình quan trọng, anh sẽ luôn có thời gian mỗi tối dành cho cô và con. Nếu cô và anh xem hạnh phúc của gia đình, của hai người là quan trọng thì cuối tuần hai người đã cùng với các con tạo ra những trải nghiệm quý giá. Nhưng….Anh thì quá bận với công việc, còn cô cô lại bận với những suy tư ở sâu thẳm bên trong mình.

Cô có những giây phút một mình nhưng nó chỉ là những hờn giận, oán trách, chưa bao giờ cô nghĩ mình cần phải nói ra, phải bày tỏ. Thời gian đã biến đổi cô lúc nào chẳng hay, đến mức giờ đây, cô không nhận ra chính mình nữa. Nếu không có người thầy dẫn đường, cô sẽ không thể nhìn ra cô cũng phải chịu rất nhiều trách nhiệm về sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân của mình. Cô đã nhận thức, tư duy sai ngay từ đầu thì làm sao hôn nhân, gia đình cô có thể hạnh phúc được.

Cô cũng quên mất việc vun đắp tình cảm cho ba bố con. Anh đã trở nên xù xì, thiếu sự quan tâm trong mắt hai đứa trẻ. Nếu sự có sự gắn kết sâu sắc với các con, anh có thể đã không lạc lối vào một mối quan hệ khác. Cô vô tình đã đẩy anh trở thành một thế cực riêng trong chính gia đình mình. Ôi, cô và hai con đã cần anh, cần tình yêu thương của anh biết bao nhưng mỗi lần anh xuất hiện cô lại tìm cách đẩy anh đi thật xa…cô giận anh, cô không thấy được sự cố gắng của anh trong vai trò làm cha, làm chồng…có thể là do cô đã từng kì vọng quá nhiều rồi trở nên u uất, thất vọng khi không được như ý. Và sự giằng xé ấy đã khiến cô nói năng, hành động ngược lại với những gì cô mong muốn và khát khao.

Cô đã không có TƯ DUY CÙNG THẮNG trong cuộc hôn nhân của mình, cô chỉ muốn cô thắng anh thua, cô chỉ muốn cho anh thấy vì anh không quan tâm đến cô và con nên anh chỉ xứng đáng ở rìa cuộc sống của ba mẹ con mà thôi. Đúng sai có nghĩa lý gì khi tình yêu tan vỡ, đúng sai có nghĩa lý gì khi anh, cô và hai con đều bị tổn thương cơ chứ. Cô đã từng hả hê khi thấy ánh mắt đượm buồn của anh…không hiểu sao lúc này nước mắt cô cứ thế tuôn trào…Quân ơi, em xin lỗi…..em đã không thấy gì ở anh trong những năm tháng vừa qua, thứ em thấy chỉ là những gì mà em muốn thấy. Đến hôm nay khi đọc cuốn sách này, suy ngẫm lại hành trình của chúng ta em mới nhận ra em chưa từng đứng ở vị trí của anh để mà cảm thông, để mà thấu hiểu. Thế nên ta chẳng có quá trình HỢP LỰC cùng nhau tiến lên. Tại sao em cứ phải cố gồng gánh, cố thể hiện là em chả cần sự quan tâm, thấu hiểu và yêu thương của anh trong khi em luôn khao khát nó? Tại sao em không là chính em như trước kia, một Thuý luôn tươi mát và bình an cơ chứ. Tại sao em cứ phải cố ngược dòng để mất sức trong khi chỉ cần an yên đi xuôi dòng em đã có thể cho con có một tổ ấm đúng nghĩa.

Cô đã học được quá nhiều những điều quý giá từ cuộc hôn nhân của bản thân. Có bảy thói quen tạo nên gia đình hạnh phúc thì cả bảy thói quen cô đều không có. Ngay cả thói quen RÈN GIŨA BẢN THÂN cô cũng đánh mất nó từ ngày sinh Xu – món quà đầu tiên của vợ chồng cô. Một người phụ nữ không rèn giũa bản thân, không có gì mới mẻ theo năm tháng thì ai mà chẳng chán. Đến cô còn chán chính mình cơ mà. Nghĩ đến đây cô đã thực sự hiểu sâu sắc GIÁ TRỊ CỦA BÀI HỌC mà cuộc đời mang tới. Nó là món quà, là chìa khoá để cô có thể làm lại cuộc đời mình theo một cách rất khác. Lần đầu tiên cô đối diện với cuộc hôn nhân của mình với thật nhiều nước mắt, nhiều cảm xúc nhưng lại bình an, hạnh phúc đến diệu kì. Biết ơn Hồng, biết ơn người dẫn đường của cô.

Những bài học mà cô học được từ chính cuộc hôn nhân này

BÀI HỌC 1: Luôn giữ tâm thế chủ động trong mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ với chồng. Yêu là một động từ nên vì thế ta phải luôn chủ động bày tỏ tình yêu ấy, làm cho ngân hàng tình cảm giữa hai vợ chồng được tăng lên theo thời gian. Để làm được điều đó ta cần phát triển 4 kỹ năng của mình và định hướng để các thành viên trong gia đình cũng có thể rèn giũa được nó: kỹ năng tự nhận thức (quan sát, soi chiếu), kỹ năng lương tâm (biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là điều nên làm, đâu là điều mà ta cần dừng lại), kỹ năng thứ ba trí tưởng tượng (hình dung về viễn cảnh mà ta khao khát có được trong tương lai), cuối cùng là ý chí độc lập (ta phải rèn luyện để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và hết mình với quyết định ấy). Bày tỏ, nói ra, thấu hiểu, đưa ra giải pháp khó hơn rất nhiều so với im lặng, giấu kín, uất hận và than phiền.

BÀI HỌC 2: Cần có bản tuyên ngôn về nhiệm vụ gia đình, cần có sự thảo luận góp sức của các thành viên trong gia đình để mọi người cùng nhìn về một hướng. Gia đình là nơi được yêu thương, quan tâm và thấu hiểu. Đó là nơi mà bất cứ ai cũng được chào đón khi trở về. Để có thể thấu hiểu, yêu thương và dành cho nhau những điều tốt nhất thì phải có khung thời gian cố định cho cả gia đình. Và mỗi người sẽ có thời gian riêng biệt dành cho nhau, vợ chồng, bố, mẹ với từng đứa con của mình.

BÀI HỌC 3: Luôn có sự ưu tiên cho gia đình và những người thân yêu. Vợ chồng cần có khoảng thời gian riêng trong tuần cho nhau, có thể là tối thứ 6 hàng tuần. Cuối tuần là thời gian để cả gia đình cùng quây quần bên nhau. Mọi người sẽ cùng nhau làm việc nhà, đi siêu thị, đi chơi, hay xem phim cùng nhau. Không quan trọng là làm gì mà quan trọng là làm cùng nhau.

BÀI HỌC 4: Trong một mối quan hệ không có anh đúng hay em đúng, mà là chúng ta cùng đúng. Mối quan hệ quan trọng hơn là đúng sai. Sẽ luôn có sự lựa chọn thứ ba để cả hai cùng hạnh phúc, cùng thoả mãn mong muốn và khát khao của mình. Đây không chỉ bài học mà ta cần học trong mối quan hệ với những người thân yêu mà bất cứ mối quan hệ nào ta trân trọng cũng cần áp dụng tư duy này.

BÀI HỌC 5: Biết đặt mình vào vị trí của đối phương để mà thấu hiểu, sự trách cứ, chỉ trích chỉ luôn mang tới khổ đau và oán trách. Đứng ở vị trí của người kia cùng câu nói TẠI SAO họ làm vậy? Họ làm vậy vì điều gì? Và làm thế nào để ta giúp họ có cách giải quyết thông minh và thấu đáo hơn. Chí ít cũng sẽ khiến người khác không đau lòng.

BÀI HỌC 6: Chỉ khi hai người có cùng tầm nhìn, thấu hiểu được nhau thì mới có thể cùng nhau hợp lực để đưa ra được những giải pháp thông minh. Nó không chỉ là cách của em, cách của anh mà sẽ là cách của chúng ta. Khi ấy cả hai sẽ tìm ra được tiếng nói chung và thấu hiểu hơn về đối phương.

BÀI HỌC 7: Luôn phải rèn giũa bản thân cả về thân, tâm, trí cho dù đang ở đâu và làm công việc gì. Các hãng công nghệ còn cập nhật phiên bản mới liên tục nữa là chúng ta. Phải liên tục học tập, thay đổi và phát triển bản thân để tạo ra những điều mới mẻ, thú vị cho cuộc sống của mình…

Viết xong những bài học này, Thuý lấy điện thoại, lắp lại sim trước kia mà cô dùng. Đây là sim tình nhân một thời của cô và anh, khi chia tay, cô đã cất sim, xoá các trang mạng xã hội, cắt đứt hoàn toàn với quá khứ. Thực ra không phải vì cô can đảm hay cứng cỏi mà là cô muốn bỏ lại tất cả để bước đi….nhưng giờ đây cô hiểu rằng, chỉ có đối diện trực tiếp với nỗi đau cô mới có thể nhanh hồi phục vết thương lòng và bắt đầu cuộc sống mới….

Vừa mở máy thì một loạt tin nhắn của Quân đã xuất hiện

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *