Tuần này mình cũng vừa đọc xong cuốn sách “bạn đang nghịch gì với đời mình”. Đây là một cuốn sách khiến mình suy ngẫm rất nhiều.
Mình đã đọc đi đọc lại cuốn này hai đến ba lần để hiểu sâu về những điều mà tác giả chia sẻ. Sau đây là những bài học mà mình rút ra thông qua cuốn sách, hi vọng các bạn sẽ có thêm một góc nhìn nữa về cuộc sống và nhận thức của bản thân.
Bản ngã và cuộc đời của bạn
Việc đi sâu vào bản thân, thấu hiểu được chính mình là hành trình quan trọng nhất. Chúng ta đang để rất nhiều thứ vây quanh mình và khiến ta chỉ đang tồn tại chứ không phải là đang sống.
Ta thường đi theo tiêu chuẩn của mọi người mà đánh mất chính mình. Ta thấy nhiều người có địa vị, có tiền bạc, có danh tiếng, được nhiều người trọng vọng, ta liền mong muốn điều đó. Và đôi khi ta đánh đổi rất nhiều thứ chỉ mong nhận được những điều kia mà quên mất tìm hiểu xem những thứ đó liệu chúng có làm ta hạnh phúc, những điều kia liệu có phải xuất phát từ sâu thẳm lòng mình hay không.
Ta nghe theo định hướng của những người thành công xuất chúng, ta theo sau họ, phụ thuộc vào họ và ta đã lãng quên chính mình. Hãy giải phóng tâm trí và cho nó được tự do. Tự do trong nhận thức, tư duy, niềm tin của ta. Đừng lệ thuộc vào bất cứ ai kể cả cha mẹ hay thầy cô. Sự tự do về mặt tâm trí sẽ giúp ta khám phá được những điều trong sâu thẳm lòng mình mà ta khát khao có được trong cuộc đời này.
Hiểu biết bản thân-chìa khóa của tự do
Nỗi sợ hãi được tạo ra từ cái tôi. Cái tôi càng kém hiểu biết, càng nghèo nàn về mặt tâm hồn thì càng lo sợ. Cách để vượt qua những nỗi sợ thường trực ấy chính là sự chú tâm. Chú tâm vào việc đang làm, từng điều đang nghĩ, quan sát suy nghĩ ấy bằng sự bình an nội tại. Ta sẽ hóa giải được sự lo sợ, bất an đang giằng xé bên trong.
Sự giận dữ khởi nguồn từ việc cho mình là quan trọng. Cơn giận nổi lên khi bạn thất vọng, ghen tị và bị tổn thương. Từ đó dẫn đến sự bạo lực và sự chỉ trích. Sự giận dữ cũng được ẩn nấu trong sự lệ thuộc. Ta lệ thuộc vào ai đó để được hạnh phúc, được bình an thì khi mất đi ta sẽ trở nên căm phẫn, khó chịu. Và điều đó làm bùng lên sự giận dữ bên trong ta.
Sự kỳ vọng của mang đến nỗi đau và cơn giận. Nếu ta kỳ vọng về bản thân, nhưng ai đó phá vỡ điều ta mong muốn, định hình về mình, ta sẽ trở nên bực tức, giận dữ. Tuy nhiên nếu ta đã thực sự hiểu thấu được chính mình, biết mình thế nào thì dù ai có nói gì ta cũng bình tâm đón nhận. Vì sự hiểu biết của ta đã giúp ta xua đi cơn giận ấy. Đó là lý do vì sao càng hiểu biết con người sẽ càng bình tĩnh, ít nóng giận dù gặp bất cứ chuyện gì.
Nội tâm thế nào cuộc sống thì ấy. Nếu ta muốn cuộc sống ra sao thì bên trong bạn phải là như vậy trước. Thế giới là phiên bản mở rộng của chính chúng ta. Nếu ta muốn thay đổi mọi thứ xung quanh mình thì việc thay đổi bản thân là điều đầu tiên ta cần làm. Ta muốn những người xung quanh yêu thương, quan tâm và sống chân thành với ta thì ta phải làm điều đó trước. Những suy nghĩ, hành động của ta sẽ tác động toàn bộ lên thế giới mà ta đang sống.
Tham vọng không đáng sợ, hãy thấu hiểu nó thay vì triệt tiêu nó. Tham vọng không xấu nhưng nếu ta lệ thuộc vào nó để nó chi phối tâm trí, cuộc đời của ta, ta sẽ đau khổ, thất vọng và giận dữ khi điều ta mong muốn không trở thành sự thật. Điều quan trọng ở đây là dành thời gian để tỏ tường, thấu hiểu thay vì cố xoá bỏ, hay lờ nó đi.
Khi còn trẻ, hãy dành thời gian làm điều ta yêu thích và hứng thú. Khi làm điều ta thích, ta say mê, ta sẽ không cần phải so sánh với ai, không phải nỗ lực để thể hiện mình hay phải cố ép bản thân vào khuôn khổ. Khi làm điều ta thích, ta được tự do sáng tạo, được dành trọn sự nhiệt huyết, say mê của mình cho nó mà không cần ai thúc giục, giám sát và chỉ đạo. Khi ấy ta sống một cuộc đời ý nghĩa theo cách của riêng mình.
Giáo dục, công việc và tiền bạc
Giáo dục đúng đắn là giúp mỗi học sinh thấu hiểu được chính bản thân, giúp các em ấy được làm những điều thật sự hứng thú và say mê chứ không chỉ để kiếm được một công việc mưu sinh sau này.
Kiến thức công nghệ nhiều đến đâu cũng không thể giải quyết hết được sự xung đột nội tâm bên trong mỗi người. Chúng ta mong muốn con cái của mình sống một cuộc đời như thế nào? Là cuộc đời con muốn hay cuộc đời ta muốn? Việc con cái giỏi giang, làm chức này trước kia nhưng không thực sự hạnh phúc, liệu có làm ta trăn trở hay suy tư không? Nếu con muốn làm người làm vườn thì phản ứng của ta sẽ thế nào?
Nếu con là người làm vườn hạnh phúc nhất thì cuộc đời mai này của con sẽ không phải làm việc nữa mà là tạo dựng, là sáng tạo, là say mê, là sống với con người mà con muốn trở thành. Điều ấy mới quý giá làm sao. Nhiều người 40-50 tuổi rồi mới thấy suy tư, sầu não vì những thứ bản thân đang làm. Bởi sâu thẳm đó không phải là điều họ muốn. Liệu ta có muốn điều đó tiếp tục lặp lại ở đời con cháu mình hay không?
Đừng để bất cứ ai làm chủ tâm trí của ta, hãy để chính ta được làm điều đó. Chỉ có như vậy, ta mới có thể dành quyền kiểm soát số phận và cuộc đời mình đúng nghĩa. Là cha mẹ, chúng ta hãy giúp con khám phá chính mình, tìm ra điều còn hứng thú, say mê và được hết lòng với nó mai này.
Những mối tương quan
Ta không nên lệ thuộc tâm lý vào bất cứ ai, hãy để tâm trí của ta được tự do. Chỉ có như vậy ta mới hạnh phúc và giúp những người xung quanh ta cũng được hạnh phúc. Đây chính là hạnh phúc tự thân mà mình hay nói tới.
Một phương pháp rất quý giá để giúp ta thấu hiểu chính mình và làm chủ tâm trí đó chính là THIỀN-CHÚ TÂM. Thiền ở đây không phải là bạn ngồi lặng thinh vài tiếng đồng hồ, mà chính là luôn chú tâm vào những điều bạn đang làm. Những người bạn đang trò chuyện, những từ bạn đang nói, hãy chú tâm vào nó. Biết mình đang nói gì, đang ở đâu chính là cách để giúp bạn nâng cao chất lượng cuộc sống và tâm trí của bạn.
Một cuốn sách rất hay dành cho ai đang muốn suy ngẫm và khám phá về chính mình. Đọc những dòng sách này muốn nhanh cũng khó, tuần trước mình đọc còn có một chương nhưng hôm nay buộc phải đọc lại cả cuốn mới ngấm được mạch viết của cả bài
bu konuda bu kadar net bilgiler internette malesef yok bu yüzden çok iyi ve başarılı olmuş teşekkürler.