Năm 2015 khi ra trường, mình buộc phải lựa chọn, hoặc là ở thủ đô tận dụng những mối quan hệ mình đã xây dựng trong những năm tháng sinh viên để có được công việc bản thân yêu thích, hoặc là về quê để bắt đầu lại từ đầu với anh người yêu. Lúc đó mình 50-50, nửa muốn về, nửa không. Thế nhưng cuộc gọi từ mẹ đã khiến mình lựa chọn trở về nhà. Em trai mình bỏ học, đi chơi game cùng bạn. Bố đánh bao nhiêu trận mà không được, mẹ chỉ biết khóc, khóc vì buồn, khóc vì thương con nhưng cũng khóc vì sự bất lực của bố nữa.
Mình về trong tình thế ấy, gia đình rối ren, công việc bắt đầu lại từ đầu, ở Thanh Hoá thời điểm ấy với mình là con số 0 tròn trĩnh. Không tiền, không quyền, không quan hệ….Nhưng mình vẫn về. Việc đầu tiên là về lắng nghe những gì mà bố mẹ trao đổi về em trai. Trong mắt mình, em trai là một cậu bé rất ngoan, cực kì yêu gia đình, rất hiểu chuyện. Mình còn hay quát to chứ em trai mình chưa từng quát ai, hiền như ốc nên biệt danh ngày bé của cu cậu là Ốc. Bố mẹ cũng chẳng có gì phàn nàn về em ngoài việc em bỏ học đi chơi game, mọi thứ còn lại như giúp mẹ việc nhà, đi câu cá lấy thức ăn cho gia đình em đều làm rất rất tốt.
Nắm được tình hình mình cũng dành thời gian trò chuyện với em, vì hai chị em cách nhau 5 tuổi, mình cũng ít có thời gian quan tâm em khi đi học xa nhà nên mình cứ từng chút một kết nối rồi trò chuyện lại với em. Mình bảo em bất cứ thứ gì em muốn, em đều có thể làm được, quan trọng là em cần phải ưu tiên và dành thời gian cho nó. Em bắt đầu tập trung học hơn trước, khổ cái cu cậu vẫn rất thích game, lại còn chơi giỏi, nên bạn tài trợ cho đi chơi là đi ngay. Giây phút cùng mẹ đi bắt em từ quán game về nhà mình đã vô cùng đau khổ.
Cái cảm giác đó nó vẫn ám ảnh mình đến giờ, dù rất mạnh mẽ nhưng khi đứng trước tình cảnh ấy mình đã nghẹn ngào, chua xót. Giây phút thấy mẹ khóc mình đã không thể nào giữ được bình tĩnh. Mình lao đến tát em một cái đau điếng, thú thật cái tát ấy, đến bây giờ mình vẫn hối hận. Nếu được làm lại mình sẽ không đánh em, mình chỉ làm những bước sau đó, ôm em, cổ vũ em, hết lòng với em mà thôi. Mình sẽ kể em nghe về những năm tháng sinh viên đầy cơ cực nhưng thú vị của mình. Mình sẽ cho em biết đi học vui thế nào, học được những bài học giá trị ra sao. Mình sẽ xây dựng mối quan hệ chất lượng với em bằng tình yêu, sự chia sẻ và thấu hiểu chứ không phải bản năng hay quyền hành của một người chị gái.
Đôi lúc mình vẫn hỏi em về cái tát năm ấy, em còn giận chị không nhưng em trai mình luôn bảo em không, em cảm ơn chị mới đúng. Nếu không có chị ngày ấy thì đã chẳng có em bây giờ. Mình ôm em một lần nữa về những điều đã qua. Đến giờ mình vẫn luôn tin, em chắc chắn sẽ đạt được bất cứ điều gì mà em muốn chỉ cần em luôn hết mình với nó.
Ổn định được việc của em xong, mình lại bắt đầu hành trình tìm kiếm việc làm. Mình tìm được việc rất nhanh, bởi những công việc cần dùng tới năng lực, lương không giới hạn thì nhiều lắm. Chỉ có điều nó ít người làm hoặc không muốn làm vì cứ nghe tới việc đi thị trường, tìm kiếm khách hàng là ai cũng thấy mịt mù, gian nan, thử thách rồi. Nhưng lúc đó mình không còn bất cứ sự lựa chọn nào. Mình buộc phải dấn thân và hết mình với mỗi lần dấn thân ấy.
Công việc đầu tiên và thứ hai mình đã bỏ cuộc sau khi làm hơn 1 tuần, không phải vì mình không làm tốt mà vì mình thấy không ổn, có gắn bó lâu cũng không có tương lai. Làm bất cứ công việc nào mình cũng luôn tư duy xem mình cần phải làm gì? Tại sao mình lại phải làm công việc đó? Nó có ý nghĩa và giá trị gì không? Người trước đây làm họ thường làm như thế nào? Vị trí của mình đã có ai từng làm tốt? Họ đã làm tốt đến mức nào, có xuất sắc đến mức không ai dám phớt lờ không? Mình có thể học từ họ điều gì? Họ giờ đang ở đâu? Tại sao họ lại không còn làm công việc này nữa? Mình ghi tất những câu hỏi này vào sổ và tự tìm câu trả lời cho bản thân. Đó là lý do vì sao chưa đến 3 ngày mình đã nắm được quy trình, cách thức làm việc và những giá trị mà công ty ưu tiên. Và trong một tuần mình đã có thể mang về những con số ấn tượng.
Tuy nhiên đời không như là mơ, công ty thứ hai dù ổn hơn công ty đầu tiên về uy tín nhưng lương thì khá chậm, vừa chốt được đơn hàng đầu tiên xịn xò thì nghe hai chị đồng nghiệp than thở với nhau “không biết tháng này có được nhận lương không nhỉ, 2 tháng rồi không có lương, chán quá”. Và thế là chiều ấy mình xin nghỉ luôn, chị sếp thuyết phục bao nhiêu mình cũng không đi làm nữa. Bởi thời điểm đó mình không muốn là gánh nặng kinh tế của bố mẹ, mình thấy đắng lòng mỗi lần nhìn những chuyến hàng nặng kềnh càng của bố giữa trưa hè oi ả.
Rồi mình chuyển sang công việc mới, mình vẫn ghi trọn vẹn những câu hỏi kia, nhưng có mấy câu hỏi nữa mình trực tiếp chất vấn anh sếp tương lai. Lý do vì mình quá chán cảnh làm mãi mà không có lương, ngày ấy mỗi sáng đi làm mẹ lại đưa mình 50k. Số tiền đó với người khác nó bé tẹo nhưng với gia đình mình thời điểm đó, nó là bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của bố mẹ. Bây giờ khi ngồi lại với các đồng nghiệp cũ, các bạn ấy vẫn kể về mình với câu chuyện cô nàng có duy nhất 50k trong ví.
Trở lại thời điểm ấy, khi được đào tạo, đến phần hỏi đáp, mình hỏi những câu hỏi khắm vô cùng, đến mức người bạn sau này gọi mình là bà xưng cháu đã nói ngay trong phòng “chả biết có làm được không mà hỏi lắm về lương bổng thế”. Mình vẫn không nao núng, tiếp tục hỏi “công ty có bao giờ nợ lương không anh?”, “lương thưởng bên mình có chuẩn như chính sách đề ra không ạ?”, “lương không nợ thế thì có chậm không anh?”….anh trưởng phòng sau này bảo ngày ấy anh choáng vì em lắm, hỏi dã man luôn. Nhưng anh thích tính cách của em, không hiểu thì hỏi, hỏi cho rõ mới thôi, rõ rồi thì em cứ thế làm, chẳng cần ai phải nhắc nhở hay giám sát.
Ngày ấy, sau khi trả lời được hết những gì băn khoăn, mình lao vào làm như chưa bao giờ được làm, bởi đó là cơ hội duy nhất để mình có thể sống tốt ở quê. Mình chẳng ngại khó, ngại khổ vì nó chẳng là gì so với mình ở những năm tháng sinh viên. Sáng đi làm, tối về lại cày lại kiến thức kèm em trai học. Em trai mình vì thế mà đậu được đại học. Ngày cu cậu chờ giấy báo nhập trường, mình cho em đi làm cùng. Mình muốn cho em cảm nhận được sự khốc liệt của thị trường, để em thấy nếu em không giỏi, không khác biệt, không nhanh nhẹn, em sẽ đánh mất cơ hội. Cơ hội đó có thế chén cơm, manh áo của em và những người mà em yêu thương.
Đi cùng mình, em chẳng những làm quen với công việc thị trường đầy vất vả, đi từng ngõ, gõ từng nhà mà còn được mình hướng dẫn về cách trò chuyện, kết nối với khách hàng. Mình bảo em đừng chào hàng, hãy kết nối, đừng chốt khách, hãy chỉ trò chuyện và lắng nghe. Và hành trình thay đổi tâm thức của em có lẽ bắt đầu từ những năm tháng đó. Chưa kể mình luôn yêu cầu em thực hiện lại việc trò chuyện với khách hàng cùng mình. Mình sẽ chỉ ra cho em chỗ nào em làm chưa tốt, để tối về mình huấn luyện lại.
Hài nhất là những ngày đầu tiên, em mình cứ đứng gãi đầu, gãi tai, bất động như pho tượng nhưng mình nói nếu không làm thì chị em ta cứ ngồi đây với nhau em ạ. Em biết tính chị rồi, không xong thì không có chuyện đi ngủ đâu, ở với chị lâu, chắc độ lì của chị em sẽ không lạ lẫm gì nữa. Thương chị, thương bản thân, thương bố mẹ thì làm đi để ta còn đi ngủ cho sớm. Thế là cu cậu bắt đầu những bài giới thiệu bản thân đầu tiên, giọng bắt đầu to lên, mạnh mẽ hơn….cứ thế cho đến một ngày mình để em cầm điện thoại, mình vào chợ lựa cho em mấy bộ quần áo để em đi nhập học. Khách hàng gọi đến, cu cậu lo lắng lắm, chạy vào tìm chị thì biết đâu mà tìm, bỏ lỡ thì công toi bao lâu nay hai chị em đi làm, nhất là tháng này cày cuốc của chị là để cậu có tiền nhập học. Thế là chàng ấy bắt máy, hỏi thăm thông tin, ghi lại địa chỉ, tư vấn qua những chương trình mà chị hay nhắc tới.
Khi mình bước ra, cu cậu lập tức báo chị, hai chị em phi gần 20 cây số để xuống nhà khách. Mình quyết tâm phải có được khách hàng này để giúp em trở nên tự tin. Và mình đã làm được, em trai mình sau lần đó đã tin rằng em hoàn toàn có thể làm được bất cứ điều gì em mong muốn chỉ cần em tập trung vào. Và bạn thấy đấy, giờ đây cu cậu dẫn chương trình đám cưới mà khiến thím mình sởn hết cả gai ốc. Hành trình ấy chẳng dễ dàng nhưng nó cực kì xứng đáng.
Ngày em trai đi nhập học, mình đưa cho em 10 triệu, đó là toàn bộ số tiền mà chị em mình đã nỗ lực và cố gắng cùng với nhau. Mình ôm em và nói “bây giờ sẽ không có ai quản em cả, em có thể mang trọn bộ số tiền mồ hôi, nước mắt này của chị em ta vào quán game hoặc là dùng nó để kiến tạo nên một cuộc đời mà em mơ ước. Lúc này đây, ở môi trường mới sẽ chẳng ai biết em là ai, em hoàn toàn có thể tự định vị bản thân em theo cách mà em muốn chàng trai ạ. Quyết định, lựa chọn mọi thứ nằm ở em. Chỉ mong trước khi lựa chọn làm gì hãy nhớ đến những giọt mồ hôi của bố, những giọt nước mắt của mẹ và những năm tháng khó khăn mà gia đình mình đã từng trải qua”.
Chàng trai ấy đã lựa chọn sống thật tốt, lựa chọn đứng lên phát biểu ý kiến, lựa chọn đi làm thêm ở căng tin của trường, lựa chọn đi tiếp thị ga mà không cho bố mẹ và chị biết khi bản thân hết tiền. Nhưng chính điều đó đã khiến mình hạnh phúc vô bờ, lần ấy mình cũng khóc nhưng giọt nước mắt ấy là giọt nước mắt hạnh phúc chứ không cay đắng như cái ngày mà mình tát em.
Câu chuyện ấy đã rất rất lâu rồi nhưng chính nhờ nó em trai mình đã thay đổi, tái sinh thành một con người khác. Cũng nhờ sự kiện ấy mình đã phát hiện ra khả năng đặc biệt của mình, giúp mọi người khai phá ra tiềm năng, tố chất của bản thân. Đó cũng là nền tảng để mình đến với con đường huấn luyện phát triển cá nhân toàn diện sau này. Thế nên bạn ạ, một lần nữa mình xin khẳng định với bạn rằng cuộc đời này không có gì là ngẫu nhiên, chẳng có bông tuyết nào là rơi nhầm chỗ cả, đắng cay hôm qua sẽ là nền tảng để bạn kiến tạo hạnh phúc cho ngày mai. Do đó, lúc này đây, dù bạn đang sống trong những ngày tháng bĩ cực, cay đắng nhất cũng đừng sợ hãi, vì đó chính là bài học cuộc đời dành cho bạn. Hãy mạnh mẽ đón nhận, nỗ lực để vượt qua nó, bởi sau cơn bĩ cực ngày thái lai nhất định sẽ đến.