Cách đây 52 năm về trước, có một cậu bé được mẹ sinh ra trong nhà xí. Cậu bé ấy chẳng nhớ rõ mình sinh ngày bao nhiêu, chỉ nghe nói là đúng ngày ông Táo lên trầu trời. Thế rồi mẹ cậu sinh thêm hai em nữa, một trai, một gái. Nhưng em gái cậu trong một trận ốm đã không may qua đời. Mẹ cậu chán nản bỏ đi, người mẹ vốn đã không được khôn ngoan, trong giây phút mất con, bà cũng đã bỏ lại phía sau hai đứa con còn lại. Những tưởng mẹ bỏ đi thì sẽ còn cha, nhưng người cha ấy cũng đi tìm hạnh phúc mới.
Hai anh em sống lay lắt với sự cưu mang của họ hàng. Ngày ấy ai cũng khổ, họ còn chẳng đủ để lo cho gia đình mình nữa là đèo bồng. Hai anh em cứ nay ở chỗ này, mai lại ở chỗ khác. Cậu bé đi học bữa đực bữa cái, cuối cùng là nghỉ hẳn. Cậu không biết chữ, cả ngày vác gánh ra đồng hốt phân. Lầm lũi, mỏi mệt cả ngày để kiếm bát cơm đỡ đói. Có lần vì đói quá cậu sinh ra làm liều đi ăn trộm cháy. Những gia đình có một chút ngày ấy thường phơi cơm thừa ra nắng, cơm cứng rồi thì đem vào rang lên ăn giòn như cốm. Cậu biết được nên đã liều mình đi lấy về cho em trai. Cái kết là những trận đòn đau điếng với câu nói “đánh cho chừa cái loại không cha không mẹ”.
Hai anh em không có ai chở che, bao bọc nên thường xuyên bị bắt nạt. Đỉnh điểm là có người đổ oan cho cậu lấy trộm dép. Người ta bảo nghèo đi đôi với hèn, cậu có giải thích bao nhiêu đi chăng nữa cũng không ai tin, bởi người ta mặc định đã đi ăn trộm cháy về ăn là dễ ăn trộm những cái khác. Cậu bị kéo ra giữa trời nắng, trói ở gốc cau và đánh cho chảy máu mồm. Sau cùng, cô em họ thấy ân hận nên đã đứng ra thừa nhận sự thật rằng cô mới là người lấy. Thế nhưng chẳng ai xin lỗi cậu một lời, chẳng ai để ý đến cậu bé ấy đang đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác. Cậu thấy đắng cay, chua xót và ai oán về cuộc đời này.
Rồi cậu lớn lên, em trai đi bộ đội rồi sau này thoát ly, sống và lập gia đình ở trong nam. Cậu cũng may mắn cậu đã tìm được một người thương cậu thật lòng. Cưới về đến chiếc bát sứt hai vợ chồng cũng chẳng có mà ăn. Họ viên nhau bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Hai vợ chồng làm đủ các việc trên đời để sống, thồ phân, thồ lúa, đóng gạch, đội đất…chẳng ngại bất cứ việc gì. Vì ăn không đủ nên cậu có những trận ốm thập tử nhất sinh. Thế nhưng cậu vẫn cố vực dậy, bởi nếu cậu nằm xuống thì lấy ai lo cho vợ con. Cậu bỏ qua tất cả những gì người đời nói về cậu “thằng dở lấy con hâm, xem sống với nhau được bao lâu”. Cậu tự nhủ rằng chẳng những sống mà còn phải sống thật tốt. Còn sống là còn hi vọng, còn cố gắng.
Cậu nói với vợ “chúng ta nhất định phải lo cho con cái ăn học nên người, đói mấy, khổ mấy cũng được em ạ, nhưng không để đời con phải khổ như đời vợ chồng mình nữa”. Và đôi vợ chồng ấy đã sống, sống thực sự bằng niềm tin. Dù mới ốm dậy nhưng để vợ con có chút gạo để ăn, cậu vẫn lăn ra đi thồ lúa, thồ phân thuê cho người khác. Dù mới sinh con chưa được một tháng, vợ của cậu đã ra ngoài để cùng chồng bốc phân, đẩy ra ngoài đồng để kiếm mấy nắm gạo về nấu cháo cho các con.
Làm ăn đã vất vả, 3 đứa con lại còn lần lượt ốm đau rồi chết hụt. Cô con gái đầu 3 lần suýt chết, con gái thứ hai thì bị sốt cao rồi lên cơn co giật, để lại di chứng sau này là tay không cầm nắm được và cũng không thể nói, cậu con trai út thì suýt chết đuối ba lần, nặng nhất chính là lăn xuống giếng. Đã khổ trăm bề thế mà có người vẫn nguýt dài “cái thói đời cha ăn mặn đời con khát nước nên mới thế”. Hai vợ chồng đêm về nhìn con đã đủ đau lòng, nghe những lời như thế nước mắt lại càng trào ra. Thế nhưng thay vì từ bỏ, chán nản, họ dành trọn vẹn tình thương yêu cho ba đứa con, nhất là cô con gái thứ 2 đầy thiệt thòi.
Đó là câu chuyện về cha mẹ của mình, họ đã nuôi ba chị em mình khôn lớn với những thăng trầm, đắng cay như thế. Ngày bé bố mẹ đã kể cho mình nghe rất nhiều về những năm tháng đen kịt đó. Thông điệp duy nhất mà cha mẹ mình nói đó là “con cố gắng lên, bố mẹ đã khổ nhiều rồi, giờ chỉ mong các con được sung sướng. Cách duy nhất để con có thể thoát nghèo là học tập con ạ. Khổ mấy bố mẹ cũng chịu được, miễn là chị em con bảo ban nhau và chăm lo học”.
Những lời đó cứ văng vẳng bên tai mình, nên từ bé mình dù không được ai kèm cặp vẫn học rất giỏi. Bởi đó là bao nhiêu hi vọng, ước mơ và tình yêu của bố mẹ. Sống, lớn lên và sát cánh cùng bố mẹ nên hơn ai hết mình thấu hiểu những cay đắng, tủi nhục mà bố mẹ mình đã phải trải qua. Mình còn nhớ suốt những năm tháng cấp 2, đêm nào học bài xong mình cũng khóc. Mình luôn lo rằng nếu bố mẹ mất đi thì ai sẽ chăm sóc các em cùng mình. Chẳng hiểu sao ngày ấy mình viết rất nhiều vào nhật ký, càng viết càng xúc động, rồi đêm nào cũng chan chứa nước mắt. Có lần cô bạn hàng xóm sang đọc trộm nhật kí của mình rồi nàng ấy cũng khóc như mưa. Từ hôm đó mình không viết nữa, những trang nhật kí cũng được mình đốt đi.
Dần dần mình không còn khóc nữa, mình trở nên mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Mình tập trung vào việc học, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà và chăm lo cho hai em. Yêu thương con là thế nhưng bố mình với những sang chấn tâm lý tuổi thơ, bố cực kì nóng tính. Mình là đứa bị bố đánh nhiều nhất. Ngày bé xíu, đòi đi xem phim hoàn châu cách cách, bố không cho vì bố còn phải ngủ để mai đi xe ốm sớm. Nhưng mình cứ đòi bằng được, bố dậy đánh cho nát cả mông. Rồi lần bố đánh mình vài cây số vì cái tội đi ăn trực…mẹ nhìn xót con nhưng cũng không dám nói gì vì sợ bố đập sạch đồ đạc.
Bị bố đánh như thế nhưng mình chưa một lần giận bố, ngày bé thế nào thì mình không rõ nhưng từ khi có nhận thức mình chỉ thấy thương. Mình khắc cốt ghi tâm mãi hình ảnh bố đạp xe giữa trời nắng oi ả với một đống hàng hoá kềnh càng, còn mẹ thì theo sau đẩy xe. Thanh xuân, mồ hôi, nước mắt và tình yêu bố mẹ đã bỏ hết vào những chuyến hàng đó thì giận thế nào, trách làm sao cho được.
Mình cũng thú thật, không giận nhưng mình có bị ám ảnh. Mình từng mất một thời gian để giữ tâm lý ổn định khi có điện thoại của bố gọi đến. Trước kia khi đi học, cứ thấy bố gọi là mình lại lo lắng. Sau này mình mới hiểu là do mình bị ám ảnh bởi những tình huống xưa kia, mình luôn tự nhủ “không có gì đâu, bố chỉ gọi để hỏi thăm thôi, ở nhà sẽ chẳng có chuyện gì cả”cả. Dần dần mình bắt đầu tự chấn an được bản thân, lâu dần đứa trẻ bên trong của mình đã vững hơn. Đến bây giờ chính mình đã có thể giúp được bố chữa lành được phần nào những tổn thương trong quá khứ. Vì mình biết, cách bố đối xử với mình những khi nóng giận là do bố từng là một đứa trẻ bị tổn thương mà thôi.
Nhờ bài học của bố mà mình luôn tâm niệm mình sẽ nuôi dạy con bằng tình yêu thương. Mình tin rằng một đứa trẻ nếu luôn nhận được niềm tin yêu của cha mẹ thì đứa trẻ ấy sẽ luôn cảm thấy đủ đầy, hạnh phúc. Những đứa trẻ ấy sẽ luôn tự tin để thực hiện những điều bản thân ấp ủ vì chúng biết sẽ luôn có cha mẹ ở phía sau tin tưởng, khích lệ và cổ vũ. Bản thân mình là một đứa trẻ như thế, cha mẹ dù có thể rất nghèo về vật chất nhưng tình yêu thương mà họ dành cho mình là vô bờ bến.
Chồng mình 7 năm làm rể, anh vẫn luôn nói với mình “anh luôn cảm thấy rất may mắn vì được làm con của bố mẹ, bố mẹ có thể không cho ta nhiều về vật chất nhưng sự yêu thương, săn sóc của ông bà là vô bờ bến. Thế nên mối quan hệ của chồng và bố mẹ mình cực kì khăng khít “. Em dâu tương lai về nhà cũng nhận được sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc chu đáo của bố mẹ. Điều đó khiến em cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được về. Mình tin chỉ cần ta trao yêu thương cho ai đó, họ chắc chắn sẽ cảm nhận được. Bởi tình yêu thương chính là phương thuốc kì diệu để chữa lành bất cứ nỗi đau nào.
Có bạn hỏi mình rằng nếu cha mẹ của bạn ấy chưa từng yêu thương bạn ấy, thứ bạn ấy nhớ mãi chỉ là những nỗi đau về thể xác và tâm hồn thì phải làm gì. Mình quả thực không biết, nhưng mình tin khi bạn hỏi câu ấy, đâu đó bạn đã muốn lại gần những tâm hồn tổn thương kia và nói con cũng rất muốn yêu và được cha mẹ yêu. Chỉ là bạn chưa dám tiến thêm một bước nữa. Mình đã đọc được ở đâu đó rằng, trong một mối quan hệ, dù bạn chẳng thể quyết định được cách mà người kia đối đãi với bạn nhưng bạn hoàn toàn có thể quyết định được cách đối đãi mà bạn dành cho họ. Đó là một sự lựa chọn chứ không phải là sự ép buộc.
Bố mình từ ngày nhận được tình yêu của mẹ, sự quan tâm và thấu hiểu của các con, đã rất lâu rồi bố không còn cảm thấy đau khổ hay chạnh lòng vì những nỗi đau ngày thơ bé nữa. Có lẽ vì trong tim bố đã đủ đầy tình yêu thương. Sau cùng mỗi khi bạn mong muốn được xây dựng lại mối quan hệ với ai đó, hãy tự hỏi “nếu hôm nay là ngày cuối cùng ta được nhìn thấy họ, ta sẽ làm gì để sau này không phải ân hận?”. Câu hỏi đó sẽ giúp bạn có câu trả lời và biết phải làm gì sau đó.