Có rất nhiều bạn hỏi mình rằng “tại sao bạn ấy đã ứng dụng luật hấp dẫn vào cuộc sống nhưng qua năm tháng, chẳng có điều gì xảy ra?”. Chính điều đó đã khiến bạn ấy nghi ngờ vào sự hiệu quả của nó. Mình hỏi thêm bạn một số câu hỏi để chắc chắn rằng điều bạn nói là sự thật. Tuy nhiên câu trả lời của bạn khiến mình rất ngạc nhiên, bạn quả thực làm đúng như những gì mà sách chia sẻ, nhưng duy nhất một việc bạn không làm đó là HÀNH ĐỘNG.
Thế nên chẳng có gì xảy ra sau đó, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ, mọi thứ bạn ước mơ vẫn chỉ là mơ ước bên trong bạn. Câu chuyện có quen không? Mình tin là rất rất quen, mình chia sẻ ra không phải để phán xét hay chỉ trích bạn ấy, vì sau đó mình đã giúp bạn nhìn nhận lại để đi đúng hướng. Bạn ạ, bất cứ điều gì nếu muốn nó trở thành sự thật, ta không những phải nghĩ mà còn phải nỗ lực để biến nó thành sự thật. Nếu không sẽ chẳng có phép màu nào xảy ra cả. Đừng chỉ mơ ước mình về sở hữu thân hình săn chắc rồi lên giường, vừa nằm vừa ăn bỏng ngô, vừa xem ti vi. Việc của chúng ta là cần hành động, chẳng những hành động quyết liệt mà còn phải biết hành động sao cho thông minh và tối ưu nữa, chỉ có thế mong ước của chúng ta mới sớm trở thành sự thật. Ứng dụng thành công luật hấp dẫn hay không phụ thuộc vào quá trình ấy. Sau đây chúng ta sẽ cùng đi qua 9 chiến lược quan trọng để giúp bạn hành động thông minh hơn nhé.
I. THAY ĐỔI NHẬN THỨC CỦA BẠN
Chúng ta có cực nhiều tiềm năng, quan trọng là ta cần nhìn nhận được vấn đề đó, để làm gì? Để không nghi ngờ về bản thân mà nỗ lực để khai phá những tiềm năng bên trong mình. Chúng ta đều biết sự khác biệt giữa một người bình thường và một chuyên gia nằm ở số liên kết thần kinh mà họ có trong não bộ. Chúng ta chưa giỏi trong lĩnh vực nào đó không phải do ta yếu kém mà do ta chưa thiết lập đủ nhiều các liên kết thần kinh. Do đó nếu chúng ta muốn trở nên xuất sắc thì ta cần thực hành đủ nhiều để tạo ra các liên kết thần kinh vững trong não bộ. Mình ví dụ, ngày đầu mình mới viết, mình cũng mất rất nhiều thời gian để nghĩ xem phải viết gì, viết như thế nào và tại sao mình lại viết về chủ đề đó. Nhưng giờ đây, chỉ chưa đầy 1 tiếng mình đã có thể viết một bài rất dài, thậm chí cho ra đời bài thơ ngay sau đó vài phút. Mấu chốt là mình đã thực hành nó đủ nhiều theo thời gian, đúng hơn là liên kết thần kinh ở kỹ năng viết của mình đã tăng lên đáng kể, biến kỹ năng viết trở thành một loại năng lực của mình.
II. SUY NGHĨ DÀI HẠN, HÀNH ĐỘNG LẬP TỨC
Thực ra trong một ngày chúng ta có vô vàn suy nghĩ, thậm chí có tới tận 60 ngàn suy nghĩ một ngày. Tuy nhiên nếu phân loại chúng ta cũng có thể phân ra suy nghĩ ngắn hạn và suy nghĩ dài hạn.
Suy nghĩ ngắn hạn là những gì đang diễn ra ngay lúc này, đôi khi bạn sẽ chúng thu hút, tác động trực tiếp lên cảm xúc và hành động của bạn. Chẳng hạn đang làm việc thì nghe thấy tiếng chuông tin nhắn, thông báo trên các nền tảng xã hội, điều này khiến bạn sao nhãng việc đang làm. Năng suất công việc cũng suy giảm đáng kể sau đó. Trong khi đó suy nghĩ dài hạn chính là việc bạn luôn cân nhắc kỹ tới những hệ quả khi bạn làm điều này hay điều kia. Chính điều đó sẽ dẫn dắt bạn đi đúng hướng, không tập trung vào những thú vui trước mắt mà đánh mất mục tiêu quan trọng của mình trong ngày.
III. SUY NGHĨ THẤU ĐÁO, KẾT QUẢ TỐT HƠN
Trong xã hội thay đổi nhanh như vũ bão hiện nay thì suy nghĩ thấu đáo lại là một loại tài sản quý với bất cứ ai sở hữu nó. Trong khi những người khác để suy nghĩ chớp nhoáng dẫn dắt thì những người có suy nghĩ thấu đáo thường cân nhắc kỹ càng mọi yếu tố trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế họ luôn có những sự lựa chọn rất sáng suốt và thông minh. Để suy nghĩ thấu đáo trước bất cứ vấn đề gì, bạn hãy sử dụng ba chiến lược sau đây.
1. Dành thời gian để suy nghĩ kĩ càng trong ba ngày trước bất cứ quyết định quan trọng nào
2. Dành một khoảng thời gian thật yên tĩnh trong ngày để nghĩ về nó (30 phút đi bộ mà không có bất cứ thiết bị điện tử nào quấy nhiễu tâm trí)
3. Sử dụng phương pháp GOSPA
– Goals – Mục tiêu dài hạn: Kết quả nào bạn mong muốn đạt được trong dài hạn?
– Objectives – Mục tiêu ngắn hạn: Những mục tiêu ngắn hạn mà bạn cần đạt được để hiện thực hoá mục tiêu dài hạn trong tương lai.
– Strategies – Chiến lược: Bạn sẽ làm như thế nào để đạt được những mục tiêu ngắn hạn kể trên?
– Priorities – Ưu tiên: Xác định những điều bạn sẽ ưu tiên để chiến lược của bạn thành công.
– Actions – Hành động: Bạn sẽ làm những gì mỗi ngày để đạt được mục tiêu.
Mình sẽ lấy ví dụ thực tế để các bạn dễ hiểu về chiến lược này. Mình ví dụ mục tiêu của mình là thông thạo Tiếng Anh trong năm nay. Mục tiêu của mình đơn giản là thông thạo để có thể đọc sách Tiếng Anh thoải mái. Vậy nên mình đã lên kế hoạch để thực hiện như sau:
– Mục tiêu dài hạn: thông thạo Tiếng Anh, đọc sách thoải mái.
– Mục tiêu ngắn hạn: Đọc được những cuốn Tiếng Anh dạng tóm tắt mà mình đang có.
– Chiến lược: Mình sẽ đọc, sơ đồ hoá mỗi ngày, ít nhất là 1 tiếng.
– Ưu tiên: Mình dành cho nó thời gian cố định vào 8 – 9 giờ sáng mỗi ngày, không để bản thân bị sao nhãng trước bất cứ điều gì.
– Hành động: đưa vào kế hoạch hàng ngày, tuần, tháng, sau đó đo lường để cải tiến ở tháng tiếp theo.
IV. NGHIÊN CỨU SÂU VÀ HỎI CÂU HỎI ĐÚNG
Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu sâu về nó, các cách thức, hệ quả mà ta phải đối mặt. Ta có thể hỏi chuyên gia trong lĩnh vực mà ta biết, hoặc tìm hiểu qua sách cũng như các kênh tìm kiếm khác. Tiếp đó, đặt ra những câu hỏi mang tính phản biện, đi ngược với suy nghĩ của ta, để đi tìm ra lỗ hổng của vấn đề. Mình ví dụ khi làm kế hoạch, mình nhận ra, mình đã lên kế hoạch cho 8 tiếng làm việc của mình, thế nên mình sẽ không có bất cứ cuộc gặp gỡ nào nếu không kế hoạch của mình sẽ hỏng bét. Vậy nên mình dành thời gian cho những cuộc gặp gỡ quan trọng và cần thiết vào cuối tuần. Nhất là phải được lên lịch trước, song song đó, mình có thể kết hợp các công việc tương đồng đi cùng với nhau. Điều đó sẽ giúp mình tiết kiệm được khá nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo mọi thứ trôi theo dòng chảy.
V. MỤC TIÊU SẼ GIÚP TA ĐI ĐÚNG HƯỚNG
Bạn biết không, rất ít người đặt ra mục tiêu mỗi năm, và con số này lại càng khiêm tốn với những người đặt ra mục tiêu một cách cụ thể, rõ ràng. Ước tính chỉ khoảng 3%. Thế nên nếu bạn muốn nằm trong số 3% này, hãy
– Viết cụ thể mục tiêu ra giấy.
– Chọn ra 10 việc cần thực hiện để hoàn thành mục tiêu ấy.
– Đưa chúng vào danh sách những việc cần ưu tiên thực hiện mỗi ngày của bạn, sau đó bắt tay vào hành động.
Chỉ khi thực hiện được điều này, cuộc sống của chúng ta mới luôn đi đúng hướng, giúp ta tới nơi mà ta mong muốn thuộc về.
VI. SỬ DỤNG THỜI GIAN THÔNG MINH
Mình rất thích câu nói của tác giả “loại tài sản quan trọng nhất của bất cứ ai chính là khả năng k iếm t iền của họ”. Chúng ta được trả t iền để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, chúng ta được trả bao nhiêu lại phụ thuộc vào việc ta xử lý mọi thứ nhanh gọn thế nào và hiệu quả ra sao. Để có thể nâng cao khả năng này, bạn hãy áp dụng phương pháp bộ ba câu hỏi, phương pháp này hướng tới 90% kết quả mà bạn cần đạt được trong ngày.
– Nếu chỉ được chọn một điều cần thực hiện trong danh sách các việc cần làm, đâu là điều bạn nghĩ rằng sẽ mang lại kết quả lớn nhất?
– Nếu được chọn 2 điều điều cần thực hiện trong danh sách các việc cần làm, đâu là 2 điều bạn nghĩ rằng sẽ mang lại kết quả lớn nhất?
– Nếu được chọn 3 điều điều cần thực hiện trong danh sách các việc cần làm, đâu là 3 điều bạn nghĩ rằng sẽ mang lại kết quả lớn nhất?
Bộ ba câu hỏi này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định khôn ngoan là cần làm gì và tại sao lại phải làm điều đó. Lúc này thời gian của bạn cũng được sử dụng một cách tối ưu.
VII. TƯ DUY LINH HOẠT
Tư duy linh hoạt chắc chắn sẽ không thể thiếu được trong thời đại mọi thứ thay đổi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay. Vậy nên trước khi định làm bất cứ việc gì, hãy tự hỏi bản thân xem điều này có thực sự có giá trị không? Nếu câu trả lời là không thì đừng làm. Áp dụng nó cho mọi khía cạnh đời sống của chúng ta, mối quan hệ nào không còn phù hợp, lựa chọn nào không còn khả quan, hãy mạnh mẽ rời bỏ nó. Nếu không bạn sẽ phải trả cái g iá rất đ ắt trong tương lai sau này.
VIII. TRÁNH XA TƯ DUY CỐ ĐỊNH, SỬ DỤNG TƯ DUY PHÁT TRIỂN
Phần này mình mới chia sẻ tới học viên lớp Tái Sinh và lớp Chuyên Sâu của mình tuần trước. Trong khi tư duy cố định sẽ luôn ở hai thái cực hoặc là thất bại, hoặc là thành công chứ không có bất cứ khoảng trống nào ở giữa thì tư duy phát triển sẽ học hỏi từ thất bại ấy để cải tiến và đạt được kết quả tối ưu trong tương lai. Tư duy cố định sẽ khiến bạn mắc kẹt còn tư duy phát triển sẽ giúp bạn lớn lên và phát triển không ngừng. Do đó hãy lựa chọn tư duy phát triển từ hôm nay bằng việc nắm lấy những cơ hội, thực hiện, sai lầm, học hỏi từ sai lầm để tìm ra một phương án tối ưu cho riêng bạn.
IX. NGHĨ NHƯ NGƯỜI THÀNH CÔNG
Cuối cùng, nếu muốn thành công, hãy học tập tư duy của người thành công. Điều này luôn đúng vì nó vận hành theo luật tương ứng, trong sao ngoài vậy, trên sao dưới vậy. Do đó nếu muốn đạt được điều gì, trở thành phiên bản như thế nào, hãy tìm cho mình những hình mẫu. Nghiên cứu họ, sao chép họ, sau đó mang đi thực hành. Từ đây bạn bắt đầu tạo dựng được những thói quen tốt, hình thành nên những quan điểm, tư duy và cách thức cho riêng mình. Khi đó phiên bản thực sự của bạn sẽ được tìm thấy.
Hi vọng bài này hữu ích với các bạn, mình bắt đầu sơ đồ hoá sách Tiếng Anh, dù mất nhiều thời gian nhưng mình tin khi thực hành đủ nhiều thì nó sẽ nhanh chóng trở thành kỹ năng cốt lõi của mình thôi. Cảm ơn bạn vì đã đọc bài dài miên man này!