Hôm qua khi mình chia sẻ về Tiếng Anh có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi mình về phương pháp học. Mình tin rằng phương pháp học Tiếng Anh thì nhiều vô kể, bạn có thể tìm được bất cứ ở đâu. Mấu chốt của mình là mình sẽ tìm kiếm tất cả các phương pháp, sau đó chọn ra những phương pháp mấu chốt quyết định đến 80% kết quả của việc học Tiếng Anh. Và rồi mình chỉ tập trung vào việc thực hiện nó hàng ngày thôi. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi học Tiếng Anh, đây là suy nghĩ cá nhân của mình sau một thời gian dài tìm kiếm, chọn lọc những phương pháp hiệu quả. Hi vọng hữu ích với các bạn.
1. Học thật kỹ phiên âm và phát âm.
Mình tin rằng đây là kỹ năng quan trọng hàng đầu nhưng rất nhiều bạn đã lãng quên nó thời còn đi học như mình. Bởi ngày ấy ta chỉ tập trung vào ngữ pháp mà quên mất phần này. Phiên âm là thanh tố quan trọng trong việc nhận biết âm sắc của từ vựng. Học Tiếng Anh bắt đầu từ phát âm giúp ta nói rõ ràng và chính xác hơn. Mình dường như đã học lại toàn bộ các từ đơn giản chỉ để học chuẩn phiên âm và cách phát âm của chúng.
Hai phần quan trọng nhất khi học phiên âm và phát âm chính là TRỌNG ÂM và PHỤ ÂM CUỐI. Đây là hai phần quan trọng nhất mà ta buộc phải nắm được khi học bất cứ một từ vựng nào. Trọng âm chính là phần mà ta cần nhấn mạnh trong mỗi từ. Mình ví dụ với từ delete /di’li:t/ thì trọng âm rơi vào từ số 2 nên khi đọc ta sẽ nhấn mạnh vào từ này. Bạn nào học thuyết trình rồi thì nắm được sắc thái này sẽ dễ dàng hơn, với từ nào mà cần nhấn trọng âm ta có thể đọc tông cao lên một chút (mình hay đùa là thêm dấu sắc vào). Ngoài trọng âm chính thì còn có trọng âm phụ nữa, tuy nhiên chúng sẽ không được nhấn mạnh nhiều như trọng âm chính. Mình ví dụ education /ˌedjʊˈkeɪʃ(ə)n/ thì trọng âm phụ sẽ nằm ngày phần đầu, còn trọng âm chính nằm ở số 3 từ kei.
Phần quan trọng không kém đó chính là PHỤ ÂM CUỐI, đây là phần mà rất nhiều người gặp trở ngại khi phát âm Tiếng Anh trong đó có mình. Thời điểm đầu mình chẳng mấy quan tâm đến điều này, vậy nên khi giao tiếp với người nước ngoài, họ thường hiểu sai từ mà mình nói. Nó giống như mình nói thiếu thanh của Việt Nam vậy đó. Do đó phần này vô cùng quan trọng, đặc biệt là những từ có cách phát âm giống nhau thì họ buộc phải phân biệt các từ đó qua phụ âm cuối. Mình ví dụ từ Like, lie và life. Nếu chúng ta không phát âm chuẩn phụ âm cuối thì người bản xứ họ sẽ không biết ta đang nói từ nào. Vậy nên cách phát âm đúng sẽ là
like (laik)
lie (lai)
life (laif)
Vậy muốn học tốt phần này ta phải làm thế nào, đó chính là học nhiều và học đến đâu thực hành đến đó thì dần dần ta sẽ nhớ rất nhanh. Thứ gì ta càng học nhiều thì nó càng nhanh tiến bộ vì nó đã tạo nên liên kết thần kinh vững vàng trong não của ta rồi.
2. Kỹ năng nói bằng cách đọc to thành tiếng
Đây là cách giúp bạn nhanh tiến bộ và phát triển phản xạ nói quan thực hành đọc to các đoạn văn. Mình thường hay kết hợp với việc học Elsa trong phần này. Trong Elsa nó có những đoạn hội thoại rất rất hay, mình luôn mong muốn một ngày nào đó mình có thể nói được những câu hay như thế. Tuy nhiên mình hiểu rằng trước khi mình biết cách dùng nó thế nào, quyết định xem có dùng nó hay không thì mình buộc phải có nó đã. Vậy nên mình đã cố gắng để học thuộc những đoạn đó và tập nói một mình thành tiếng khi ở nhà.
Bước 1: Lấy đoạn hội thoại tiếng Anh mà mình yêu thích hoặc cảm thấy tâm đắc nhất (khi đó mình sẽ hào hứng hơn)
Bước 2: Luyện một lượt trên Elsa để học phát âm, phiên âm và hiểu được nghĩa của nó.
Bước 3: Chép lại bao gồm cả phiên âm để đọc cho chuẩn, mình còn đánh dấu vào từ khoá để nhấn cho chuẩn
Bước 4: Xem lại các từ mà bản thân chưa biết, đánh dấu phiên âm, trọng âm của từ đó rồi thực hành trước với các từ này.
Bước 5: Đọc cả câu với tốc độ từ từ sao cho đúng hết các phần trọng âm và âm cuối
Bước 6: Đọc nhanh hơn và ghi âm lại
Bước 7: So sánh lại với bản gốc để nhận diện việc đọc của mình.
3. Từ vựng
Phần từ vựng thì mình thường hay học theo các ngữ cảnh, ví dụ khi học trên Elsa về phát âm và đọc thành tiếng, có những từ vựng nào mới mình cũng học luôn. Từ vựng thì mình chỉ quan trọng mấy phần
– Nghĩa của từ đó trong ngữ cảnh mà mình đang học (mình dùng tiếng Anh)
– Cách phát âm
– Những từ đồng nghĩa với từ này
– Nghĩa Tiếng Việt (ghi nhỏ xíu ở phía dưới)
– Câu nói mà từ này được dùng (đây chính là ngữ cảnh mà mình nói tới)
Mình thấy học rất nhanh, học xong một tuần thì mình dành thời gian tổng hợp lại, xem mình có bị quên từ nào không. Mình thì hay đọc về phim, về báo, về các khoá học hoặc tác giả nước ngoài mà mình đang đọc sách nên từ vựng cũng từ đó mà thấm dần vào người. Lời khuyên của mình là đừng biến Tiếng Anh thành môn học, biến nó thành công cụ để chúng ta học một kiến thức và kỹ năng nào đó thì hay hơn rất nhiều. Các mẹ mà bắt đầu từ con số 0 hãy dùng Tiếng Anh làm công cụ để ta đồng hành với con, hai mẹ con cùng học, cùng say sưa với nó thì Tiếng Anh sẽ rất nhanh trở thành người bạn thú vị của hai mẹ con, thậm chí là cả gia đình.
Đây là ba phần nền tảng ban đầu mà mình áp dụng, hi vọng hữu ích với các bạn, 4 phần còn lại bao gồm kỹ năng nghe, kỹ năng đọc hiểu, ngữ pháp và kỹ năng viết, ngày mai mình sẽ chia sẻ đến bạn nhé. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn trả lời được những câu hỏi mà các bạn đã inbox cho mình.