Cuộc đời Thấu hiểu

PHẨM CÁCH QUỐC GIA TRONG CƠN CUỒNG LOẠN TIẾNG ANH

Phẩm cách quốc gia là thứ ta cần ghi nhớ trong thời kì hội nhập hiện nay, nếu không ta rất dễ hoà lan luôn chính bản sắc văn hoá của mình trên hành trình ấy.

Hôm qua tình cờ mình kết nối được với anh Nguyễn Thành Nam – Tiến Sĩ Vật Lý tại trường Grenoble 1, Cộng Hoà Pháp. Hiện tại anh ấy đang là giảng viên của Học viện Kỹ Thuật Quân Sự, đồng thời có cộng tác giảng dạy trên học mãi. Mình đã vào facebook để tìm hiểu về anh ấy và vô cùng tâm đắc với livestream hơn một tiếng của anh với tựa đề “TIẾNG VIỆT TRONG CƠN CUỒNG LOẠN TIẾNG ANH”. Sau đây là một số những điều mình tâm đắc nhất trong bài chia sẻ ấy, mình tin rằng nó sẽ rất hữu ích với bạn, với mình, với các con và đặc biệt là với đất nước ta.

Thứ nhất phần chia sẻ của anh ấy và ngay cả trong bài viết này của mình không hề phê phán hoặc xem nhẹ việc học Tiếng Anh, điều mình muốn nhấn mạnh ở đây đó chính là nhiều người đã “cuồng loạn” Tiếng Anh như một “căn bệnh”. Người người nhà nhà đổ xô vào đó mà quên mất đi ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Dẫn đến hệ luỵ là rất nhiều bạn nhỏ dù sống ở đất nước Việt nhưng lại không sành Tiếng Việt bằng Tiếng Anh. Các con thậm chí còn không biết diễn đạt thế nào từ đó bằng Tiếng Việt nữa, đó là một thực trạng đáng buồn. Khi ngôn ngữ mất thì văn hoá, bản sắc riêng cũng mất đi.

Mình rất thích một điều anh ấy chia sẻ “Tiếng Anh là công cụ để ta đem bản sắc văn hoá của nước mình ra thế giới nhưng chúng ta lại làm ngược lại, đánh mất luôn bản sắc của chính mình trong quá trình hội nhập”. Câu nói này làm mình nhớ tới lời anh xã mình chia sẻ gần đây khi anh đọc xong cuốn “Phẩm cách quốc gia”. Anh nói với mình “vợ biết anh tâm đắc nhất điều gì trong cuốn sách này không? Đó chính là lòng tự tôn dân tộc, là bản sắc riêng của dân tộc ấy mà ta không thể tìm thấy được ở đâu. Khi ta hội nhập, là công dân toàn cầu thì thứ duy nhất để phân biệt ta với những người khác lại chính là bản sắc văn hoá riêng của dân tộc ấy. Tác giả cuốn sách này là người Nhật, ông ấy thể hiện lòng tự hào dân tộc mạnh mẽ, tinh thần ấy được thể hiện qua từng câu chữ “.

Thứ hai ta bị quên đi việc làm giàu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Vì là dân khoa học nên anh ấy trăn trở sâu sắc về vấn đề này, đó chính là những người làm khoa học của nước nhà không có những vốn từ để trao đổi với nhau. Do đó dân khoa học thường hay phải trao đổi với nhau bằng Tiếng Anh. Ngày xưa thì anh ấy thấy đó là một niềm tự hào. Nhưng sau nhiều năm học tập và sinh sống tại Pháp, nhìn thấy các cường quốc họ bảo vệ và duy trì nền văn hoá qua ngôn ngữ của mình một cách nghiêm túc thì giờ đây anh lại cảm thấy “nhục”. Bởi ta đã không đủ vốn từ để trao đổi, để nói chuyện về đề tài khoa học trên chính quê hương của mình. Trung Quốc họ làm rất rất tốt điều này, những người làm khoa học ở Trung Quốc họ cũng đăng nghiên cứu của mình trên các tạp chí khoa học bằng Tiếng Anh nhưng khi làm việc họ đã trao đổi bằng Tiếng Trung với nhau trước đó. Mỗi lần có từ nào mới trong giới khoa học, ngay lập tức họ sẽ có đội ngũ chuyên gia phiên dịch nó sang Tiếng Trung. Và họ dùng Tiếng Trung – ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để làm việc, để trao đổi và làm giàu hơn vốn từ đó. Vậy nên Tiếng Trung phát triển mạnh mẽ kinh khủng.

Mình nhớ ngày trước rất nhiều người ném đá Trung Quốc vì họ không cho facebook, google vào đất nước của họ. Mọi người bảo đúng là lạc hậu, ngu dốt, thế nhưng đến bây giờ ta mới thấy tầm nhìn của đất nước này. Dĩ nhiên ta chẳng thể nào so sánh được với một cường quốc như Trung Quốc nhưng qủa thực họ có tầm nhìn rất xa. Mình không phải là yêu mến Trung Quốc nhé, mình chỉ yêu mến và tự hào về đất nước Việt Nam mà thôi. Mình chỉ muốn chia sẻ một cách rất khách quan để chúng ta nhìn nhận về cường quốc này và so sánh nó với đất nước ta, để có ý thức hơn về việc bảo vệ bản sắc riêng của đất nước mình.

Việt Nam chúng ta cũng từng làm mạng xã hội như Trung Quốc nhưng bất thành, lý do vì nền tảng công nghệ của chúng ta còn yếu. Dẫn đến bây giờ bất cứ thông tin, chia sẻ, quan điểm gì của chúng ta trên nền tảng online đều rơi vào hai ông lớn là facebook và google cả. Đây là điều chồng cũng rất hay chia sẻ với mình, thế nên hôm qua khi nghe livestream của anh Nam mình đã gửi cho anh xã để anh xem, bởi anh ấy và chồng mình có rất nhiều điểm tương đồng trong việc nhìn nhận về công cuộc hội nhập của nước ta hiện nay.

Thứ ba chúng ta đào sâu thêm một bước nữa. Chúng ta học Tiếng Anh để mong rằng ta có thể sử dụng nó như người bản ngữ, nhưng dù cố nhiều thế nào đi chăng nữa thì ta cũng chỉ bằng một đứa trẻ kém nhất bên đất nước đó mà thôi. Bởi vì đứa trẻ ấy vốn đã sinh ra và lớn lên ở đó rồi, nên chúng tiếp nhận tiếng mẹ đẻ như lẽ đương nhiên. Vậy nếu ta học ngôn ngữ để có thể dùng như người bản xứ thì cuối cùng thứ ta có chỉ bằng đứa trẻ học kém nhất bên đó. Không lẽ tất cả những người ở đất nước có tiếng mẹ đẻ là Tiếng Anh họ đều là những thiên tài? Họ đều tài giỏi và xuất chúng? Mình nghĩ là không đâu, nếu thế thì những quốc gia khác đã không có cửa để phát triển, lớn mạnh, mấu chốt nó nằm ở tư duy, ở tư tưởng của mỗi người. Ta có thể thấy Pháp, Đức, Nga, Nhật, Trung Quốc là một ví dụ điển hình, họ vẫn phát triển mạnh mẽ và duy trì được những nét văn hoá riêng của mình dù tiếng mẹ đẻ của họ không phải là Tiếng Anh.

Gần đây mình có đồng hành cùng một chị có con học ở trường quốc tế, cả ba mẹ con cùng căng thẳng, điêu đứng vì những kiến thức khó nhằn, đặc biệt là 100% kiến thức con học đều bằng Tiếng Anh. Nếu những đứa trẻ ở nước ngoài chúng được khám phá kiến thức về khoa học, về đời sống một cách vui vẻ, thích thú vì Tiếng Anh ấy vốn là tiếng mẹ đẻ của chúng rồi thì những đứa trẻ ở Việt Nam chúng ta lại phải vật lộn với những môn học vì nó là ngôn ngữ mới, kiến thức mới. Vốn từ của các con chưa đủ để tiếp nhận những kiến thức mới mẻ ấy. Đến các bạn nhỏ nhà mình chúng ta lý giải cho con vì sao bầu trời lại có màu xanh hoàn toàn bằng Tiếng Việt mà con vẫn cần thời gian để tiếp nhận chứ đừng nói diễn đạt nó hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Đó cũng là lý do dẫn đến sự căng thẳng, áp lực của các con. Thay vì vui vẻ, hứng khởi thì các con lại mệt mỏi, suy sụp và cảm thấy mình thật kém cỏi.

Thứ tư ta có thể nhìn thấy điều này, ngay cả những người dạy ngoại ngữ cho người Việt, bản thân họ cũng cần có nền tảng Tiếng Việt tốt. Lý do vì họ vẫn phải chia sẻ những kiến thức, kỹ năng bằng Tiếng Việt cho người Việt thì họ mới có thể xây dựng và phát triển thương hiệu của mình được. Bạn có thể nhìn thấy, nhiều người thi được bằng IELTS với điểm số cao nhưng cá nhân họ vẫn loay hoay trong việc phát triển sự nghiệp của mình. Nếu không có thương hiệu cá nhân thì cũng chẳng ai biết đến họ để mà hiểu, mà tin, mà yêu, mà lựa chọn họ cả. Để mọi người biết đến bạn, yêu thương, trân quý và song hành cùng bạn thì chuyên môn tốt thôi là chưa đủ, nó cần rất nhiều thứ khác nữa đặc biệt là tư duy, là vốn sống, là thái độ của ta với bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Mình thấy có rất nhiều người Việt mình dù là sinh ra và lớn lên ở đất Việt nhưng khả năng truyền tải bằng cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết đều rất hạn chế. Điều này không chỉ diễn ra ở những thế hệ 8x,9x như mình mà ngay cả các bạn trẻ cũng vậy. Thế hệ trẻ bây giờ rất nhiều bạn không biết diễn đạt thế nào cho đúng với tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Đôi khi các em ấy thường hay nói “mày enjoy với nó chứ?”; “happy chứ hả?”; “hôm nay tao bận rồi, cacel buổi hẹn hộ tao nhé” hay “tao xin mẹ tạo rồi nhưng bà chưa confirm”. Ban đầu điều này có thể là vì mới học ngoại ngữ nên các em ấy làm thế để nhớ các từ mới, nhưng dần dần nó tạo thành thói quen, và kết quả là quên luôn cách diễn đạt bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Mình đã rất lâu không dùng đến ba từ học Tiếng Anh nữa, mình dùng nó như một công cụ để học những kiến thức mình cần. Dù có thể đọc được sách bằng Tiếng Anh nhưng mình vẫn dành thêm thời gian để đọc sách Tiếng Việt nhằm làm giàu thêm ngôn ngữ, vốn sống và những trải nghiệm của bản thân. Nếu có đọc sách Tiếng Anh mình tiếp nhận những kiến thức ấy rồi đúc kết, đóng gói lại bằng Tiếng Việt để chia sẻ nó với mọi người.

Bé con của mình, mình cũng hướng con dùng Tiếng Anh như một công cụ để khám phá những điều thú vị như xem phim, chơi trò chơi và tìm hiểu những thứ con muốn biết. Còn lại mình vẫn hay trao đổi và trò chuyện với con về văn hoá, đất nước, con người Việt. Sáng nay hai mẹ con cùng hát lại bài “đưa cơm cho mẹ đi cày”, đến phần 2 điệp khúc “đường hành quân diệt Mỹ, bố hỏi cuối thư vui….” em ấy hỏi là mẹ ơi sao bố lại đi diệt Mỹ hả mẹ, có phải trận đánh mà bố hay kể không mẹ? Và đó là cách mình đưa lịch sử vào trong đầu con, bản thân mình cũng thường xuyên phải cập nhật những nền tảng kiến thức ấy để chia sẻ với con. Mỗi lần hát bài gì mình thường tìm hiểu xem bài hát ấy ra đời trong hoàn cảnh nào, thời điểm ấy đất nước ấy đang có sự kiện gì…khi ấy con sẽ tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng và thích thú.
Đây là đôi điều cảm nhận của mình, hi vọng hữu ích với mọi người.

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *