Bản thân Chia sẻ sách Đọc sách Kiến thức Kỹ năng Rèn luyện Thấu hiểu

3000 NGÀY TRÊN ĐẤT NHẬT

“3000 ngày trên đất Nhật” là cuốn tự truyện của dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Cuốn sách là một hành trình đầy thú vị của tác giả trên đất nước Hoa Anh Đào. Dù sách khá dày, gần 400 trang nhưng đọc rất đã. Có những chương mình cười nghiêng ngả, nhưng có những chương khiến mình không cầm được nước mắt. Cuốn sách này mình được cô hiệu trưởng của trường con gái theo học tặng, hôm mình được tặng sách cũng có anh Vương ở đó, tiếc là anh em mình chưa kết nối với nhau bao giờ. Nếu có cơ hội lần tiếp theo gặp anh ấy mình sẽ ra chào và cảm ơn anh rất nhiều vì những điều mà anh đã làm cho nền giáo dục nước nhà. Mình đọc sách xong phải nhắn cho anh ấy rằng may mà anh ấy đã viết lại hành trình ý nghĩa 8 năm trên đất Nhật, nếu không mình khó lòng mà biết được cuộc sống, con người và đất nước xứ sở Hoa Anh Đào chân thực đến vậy. Cũng nhờ cuốn sách mình hiểu hơn về những khó khăn, thử thách mà các bạn du học sinh phải đối diện khi học tập và sinh sống trên đất nước này. Những điều quý giá mà cuốn sách đem lại thì nhiều vô kể, bất cứ ai muốn hiểu hơn về đất nước Nhật Bản và con người nơi đây thì rất nên tìm đọc cuốn này. Sách viết theo lối kể chuyện nên cực kì lôi cuốn, người đọc sẽ khó mà ngừng được nếu đã bắt đầu đọc những chương đầu tiên.

1️⃣ Những đoạn cười chảy cả nước mắt.

Qua cách hành văn của tác giả, mình đoán anh là người ôn tồn, điềm đạm và rất sâu sắc. Thế nhưng có những đoạn anh kể chuyện mà khiến mình cười mãi mới dừng lại được. Tiêu biểu là câu chuyện khi du học sinh mới sang Nhật. Nếu các bạn nam ở ký túc xá với nhau thì sẽ cùng tắm chuồng. Điều này ít nhiều sẽ khiến cho các du học sinh nước mình cũng như anh Vương ái ngại, thế nhưng với các bạn Nhật Bản thì chuyện này hết sức bình thường. Chuyện khiến mình buồn cười là có một bạn du học sinh nam của nước ta khi đi tắm vẫn mặc quần đùi. Điều đó khiến các bạn nam khác lo lắng rằng bạn nam kia mắc bệnh gì đó nên không dám tắm tiên, bạn ấy mới hỏi anh Vương, anh ấy bảo không phải bạn kia bị bệnh gì đâu mà là do bạn ấy ngại đó. Đúng là có những chuyện ở nước ta ta nghĩ nó rất đỗi bình thường nhưng ở nước bạn điều đó chẳng bình thường chút nào.

Một chuyện nữa làm mình bật cười ngay ở quán cà phê đông người là chuyện về bác Mi, bác tự học Tiếng Việt, bác có thể đọc được văn bản ở mức độ đơn giản nhưng bác nói rất khó khăn. Lần đó có mấy chục người đang ăn uống vui vẻ, đột nhiên bác giơ tay hét “tất cả câm mồm”…anh Vương còn vui tính làm thêm câu “hết hồn” phía sau. Vì mọi người đều rất hiểu bác nên “sau vài phút im lặng sững sờ thì ai cũng bật cười rinh rích”. Thật ra lúc ấy bác muốn nói “mọi người im lặng nào” để bác nói nhưng có lẽ do mới học nên bác không biết diễn đạt thế nào cho đúng ngữ cảnh.

2️⃣ Sự trật tự, quy củ và cách làm việc của người Nhật

Mình rất bất ngờ khi được anh Vương chia sẻ lý do vì sao nhiều người Việt vẫn có thể sống tốt bên đất nước này mà không biết một chữ tiếng Nhật nào. Mấu chốt nó nằm ở sự trật tự, quy củ và cách làm việc của người Nhật đã đạt đến cấp độ siêu chuyên nghiệp. Mọi thứ được vận hành một cách trơn tru, bài bản, ngay cả việc thu ti ền điện của các du học sinh ở ký túc xá cũng được họ làm nhanh, gọn, lẹ. Thông báo giờ thu cùng lời nhắn nhủ “không có ti ền thối lại”, vậy nên mỗi phòng sẽ chủ động chuẩn bị số ti ền cần đóng và cứ thế vài trăm căn hộ được hoàn thành nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Đi siêu thị cũng thế, người thu ngân sẽ chỉ cặm cụi làm việc của mình chứ ít khi giao tiếp với bạn. Bạn có thể lấy ra cả núi đồ họ vẫn làm mọi thứ một cách trơn tru và bình lặng. Xe buýt ở Nhật, không có phụ xe, chỉ có lái xe, vé xe là tự động, khi lên xe, ở cửa sẽ nhả ra một cái phiếu nhỏ. Trên phiếu có đánh số thứ tự, trên bảng điện tử ở đầu xe sẽ hiển thị số thứ tự kia cùng với số t iền ở dưới. Mỗi điểm dừng có khách xuống, xe buýt dừng chờ thoải mái thế nên bạn có thể chủ động đi đổi t iền. Làm thủ tục hành chính ở đây cũng thế, họ có hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng. Thứ gì được thì là được, không là không, bị thiếu hay vướng mắc ở đâu họ cũng rất tận tình để hỗ trợ. Mình cũng rất ấn tượng với những vị luật sư do nhà nước chỉ định để bảo vệ cho bị can . Anh Vương đã có một khoảng thời gian đi phiên dịch cho những vị luật sư bào chữa cho người Việt mình. Điều mình ấn tượng không chỉ là sự tận tuỵ, hết lòng của họ mà còn là cách họ trả lời với bị can. Luật sư luôn nói rằng nếu không muốn nói thì hãy nói là tôi không muốn nói, hoặc giữ im lặng chứ không được nói dối.

Ở Nhật phí môi trường rất cao, nên ngay cả những thứ bạn không dùng nữa, muốn bỏ đi bạn cũng sẽ phải chịu một khoản rất tốn kém. Vậy nên rất nhiều người đã được cho đồ như thế, tuy nhiên nếu nhận đồ từ ai đó, bạn hãy chắc chắn rằng bạn biết rõ nguồn gốc của món đồ. Nếu không bạn sẽ rất dễ gặp rắc rối nếu món đồ đó bất hợp pháp. Xe đạp, đồ dùng bị ném ở bãi rác khá nhiều nhưng không ai dám nhặt về để tái sử dụng là vì lẽ đó. Một điểm mình cũng rất ngạc nhiên đó là những động vật hoang dã sống ở đồng ruộng sẽ không tự ý săn bắt. Làm điều đó chính là phạm pháp ở Nhật, chuyện con cò đậu trên ruộng nhà người khác mà bạn đi bắt nó thì gây ra rắc rối rất lớn cho bạn. Thế nên ở đâu thì phải biết về luật pháp, văn hoá và cách sống của nơi đó là vậy.

3️⃣ Môi trường giáo dục

Mình rất ấn tượng với những câu chuyện về chủ đề giáo dục mà tác giả chia sẻ. Trong đó có chuyện “học từ lịch sử địa phương”, nghĩa là khi ta theo học một ngôi trường nào đó, ta sẽ được học lịch sử về địa phương đó luôn. Chính điều này sẽ giúp người học hiểu hơn về ngôi trường, con người và văn hoá mà họ đang theo học. Mình thấy điều này thú vị vô cùng, cách này sẽ
giúp các bạn học sinh nắm bắt được kiến thức lịch sử một cách sâu sắc, bởi nó gắn liền với nơi mà họ đang thuộc về. Có ai mà không mong muốn tìm hiểu sâu sắc những thứ thuộc về mình cơ chứ, trường của tôi là một trong số đó. Cách dạy học ở đây cũng rất khác, giáo viên không phải là người truyền đạt mọi thứ trong sách mà họ sẽ đóng vai là người hướng dẫn, song hành. Họ thường đặt ra các vấn đề nghi vấn đề sinh viên tự thảo luận và tìm ra câu trả lời. Đây là cách giúp sinh viên học tập một cách chủ động và độc lập chứ không phải phụ thuộc vào thầy cô.

Một phần nữa mình cũng rất ấn tượng đó là giờ học công khai, thông qua giờ học này các nhà giáo dục sẽ trao đổi, thảo luận để tìm ra những phương pháp học tập mới mẻ, hiệu quả. Từ đó giúp các học sinh có được những giờ học chất lượng và sáng tạo. Giờ học công khai được họ thực hiện một cách chân thực chứ không phải để chỉ để đạt thành tích trong công tác dạy học. Học sinh tiểu học đi học phải mang theo rất nhiều túi nhỏ, túi lớn bởi vì việc học ở trường không chỉ là học kiến thức mà còn là học cách ăn ở, đi đứng, sinh hoạt. Học tập gắn liền với cuộc sống thường ngày, và các bạn nhỏ đã được trang bị kĩ càng điều này ngay trên ghế nhà trường. Mình cũng biết thêm một điều thú vị nữa khi tác giả chia sẻ trải nghiệm mà anh ấy đồng hành với con trai đầu về chương trình “book start”. Chương trình này có nguồn gốc từ Anh, giúp cho bé con yêu thích, hứng thú và say mê với sách từ bé. Các cuốn sách Ehon của Nhật có lẽ là minh chứng tuyệt vời cho chương trình ý nghĩa này.

Cuối cùng, điều khiến mình trăn trở nhất chính là thương hiệu của người Việt mình ở đất nước Hoa Anh Đào. Nó dường như bị giảm sút rất nhiều về độ uy tín và tin cậy, rất nhiều vụ tr ộm cắp, đánh nhau là do người Việt mình. Điều đó không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người liên quan mà còn khiến cho bạn bè quốc tế có cái nhìn không mấy thiện cảm với người Việt chúng ta. Đó là lý do vì sao mình luôn nhắn nhủ với các bạn du học sinh ANIDO của mình rằng khi ở nhà em cũng sẽ giống như bao nhiêu người Việt khác, nhưng đi ra thế giới, em chính là đại diện thương hiệu cho quê hương, đất nước mình, thế nên hãy sống sao cho thật xứng đáng với điều đó. Hãy sống sao để khi nhắc tới người Việt Nam bạn bè thế giới sẽ nói chúng ta là những người chăm chỉ, cần mẫn và ham học hỏi. Ti ền bạc, tài sản mất đi thì có thể làm lại nhưng nếu uy tín, niềm tin mà mất đi thì sẽ không còn gì nữa cả.

Qua cuốn sách mình cũng biết được cuộc sống của một du học sinh vất vả, cơ cực thế nào. Thế nên nếu muốn thay đổi điều đó, các em phải chăm chỉ học tiếng. Có vốn ngôn ngữ tốt cơ hội việc làm và cánh cửa tri thức sẽ giúp các em đi đúng hướng. Những công việc chân tay, môi trường làm việc khắc nghiệt, thời gian đầu tạm chấp nhận nhưng nếu làm nó cả đời là điều không thể. Qua lời kể của anh Vương – một người trực tiếp kinh qua biết bao nhiêu là công việc lẫn môi trường làm việc thì mình rất muốn các bạn du học sinh sớm giác ngộ được thông điệp quan trọng này!

Kết thúc bài chia sẻ mình muốn gửi lời cảm ơn tới tác giả là anh Nguyễn Quốc Vương, cảm ơn cuốn tự truyện siêu ý nghĩa của anh. Cảm ơn sự nỗ lực không mệt mỏi của anh cho nền giáo dục nước nhà. Có đọc sách của anh mới biết anh yêu và nhớ quê hương, đất nước nhiều cỡ nào, ai nói anh cuồng Nhật hãy đọc chương 18 của cuốn sách này. Đọc xong bạn sẽ nghĩ về anh ấy hoàn toàn khác – đó là một người yêu cha mẹ, yêu quê hương và yêu đất nước vô ngần. Chương đó đã lấy đi của mình rất nhiều nước mắt!

Lê Nghĩa

Chào các bạn! Mình là Lê Nghĩa - mình tin rằng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ cần họ không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và kĩ năng thì không gì là không thể. Điều duy nhất bạn cần làm đó là tin vào chính mình, chiến thắng sự lười biếng bên trong để tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Mình chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời trong tương lai không xa!

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *